Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính, hiện chưa thể chữa khỏi. Bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng, tàn phá sức khỏe nếu không được phát hiện sớm và điều trị tích cực.

Nếu như đái tháo đường tuýp 1 khá dễ để phát hiện bởi các triệu chứng tăng đường huyết điển hình, thì bệnh đái tháo đường tuýp 2 thường có xu hướng tiến triển âm thầm. Khi bệnh đã bộc lộ ra bên ngoài thông qua các triệu chứng, nghĩa là đường huyết đã tăng cao nhiều năm.

Nhiều thống kê cho thấy, hơn 50% người bệnh đái tháo đường tuýp 2 đã xuất hiện biến chứng ngay tại thời điểm được chẩn đoán.  Vì lý do này là việc nhận biết được các dấu hiệu của bệnh đái tháo đường từ sớm sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc phát hiện và điều trị bệnh. Dưới đây là các triệu chứng của đái tháo đường dễ nhận biết và các biểu hiện kín đáo mà người bệnh thường bỏ qua.

các triệu chứng của đái tháo đường dễ nhận biết và các biểu hiện kín đáo

Các biểu hiện dễ nhận biết của bệnh đái tháo đường

1. Đi tiểu nhiều lần/ngày

Tiểu tiện nhiều lần/ngày có thể xảy ra khi bạn uống nhiều nước. Tuy nhiên, với người bệnh đái tháo đường triệu chứng này sẽ xuất hiện liên tục trong nhiều ngày. Nguyên nhân là thận phải tăng cường làm việc để đào thải bớt đường trong máu ra ngoài trong đường tiểu.

2. Cảm giác khát

Cơ thể sẽ kích thích bạn cảm thấy khát để bù lại lượng nước đào thải ra ngoài. Đồng thời bổ sung nước là cách giúp pha loãng nồng độ đường trong máu để giúp máu lưu thông trong lòng mạch dễ dàng hơn.

3. Đói nhanh dù trước đó vừa mới ăn

Bệnh đái tháo đường khiến cho đường tăng cao trong máu, nhưng lại không vào được tế bào để chuyển thành năng lượng cho cơ thể hoạt động. Khi không đủ năng lượng, não kích thích cảm giác đói, thèm ăn nhằm bù lại lượng đường thiếu hụt. Điều này khiến bạn có cảm giác đói thường xuyên, thèm đồ ngọt, mặc dù trước đó vừa mới ăn xong.

4. Mệt mỏi không rõ lý do

Ở bệnh nhân đái tháo đường, tế bào cơ thể rất khó hấp thụ glucose dẫn đến sự thiếu hụt năng lượng trong cơ thể, khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi và khó chịu, mệt mỏi càng tăng khi phải đi tiểu đêm.

5. Sụt cân nhanh chóng

Khi không đủ đường để sử dụng, cơ thể buộc phải dùng đến nguồn năng lượng khác, chẳng hạn như chất béo. Điều này khiến cơ thể dễ bị sụt cân, cân nặng giảm nhanh chóng mà không thể giải thích được lý do.

Sụt cân nhanh chóng trong vài tuần - coi chừng bệnh đái tháo đường

Sụt cân nhanh chóng trong vài tuần - coi chừng bệnh đái tháo đường

Các triệu chứng kín đáo, khó nhận biết của bệnh đái tháo đường tuýp 2

Triệu chứng của đái tháo đường tuýp 2 thường có xu hướng diễn biến chậm trong vài tháng, thậm chí trong nhiều năm. Do tiến triển chậm, cơ thể có thời gian để thích nghi với bệnh nên triệu chứng của đái tháo đường tuýp 2 là không rõ ràng. Dưới đây là một số dấu hiệu như vậy:

- Nhiễm nấm, đặc biệt tại các vị trí da có nhiều nếp gấp như giữa các ngón tay, ngón chân, dước ngực, trong hoặc xung quanh bộ phận sinh dục. Người bệnh thường sẽ bị ngứa tại các vị trí bị nhiễm nấm.

- Đau hoặc tê ở bàn chân: Đây là dấu hiệu của biến chứng đái tháo đường, do bệnh làm tổn thương hệ thần kinh ngoại vi.

- Xuất hiện các vết loét lâu lành ở trên cơ thể: Môi trường đường rất thích hợp cho sự phát triển của các vi khuẩn, mặt khác đường huyết tăng khiến máu lưu thông khó khăn, không đến được chỗ tổn thương khiến các vết thương, vết loét thường khó điều trị, lâu lành hơn bình thường.

- Da khô và hay bị ngứa: Da khô và ngứa có thể do nấm, nhưng cũng có thể do các mạch máu của người đái tháo đường bị tổn thương, làm giảm khả năng tưới máu dưới da. Mặt khác, bệnh đái tháo đường có thể khiến hệ thần kinh thực vật bị tổn thương, làm giảm quá trình bài tiết mồ hôi, da mất độ ẩm sẽ bị khô, ngứa. Một số trường hợp khác người bệnh sẽ bị tăng tiết mồ hôi quá mức, đặc biệt là vào ban đêm.

Khám đái tháo đường ở đâu khi nghi ngờ có bệnh?

Bạn nên đi làm xét nghiệm đường huyết để được chẩn đoán chính xác bệnh đái tháo đường

Bạn nên đi làm xét nghiệm đường huyết để được chẩn đoán chính xác bệnh đái tháo đường

Nếu nghi ngờ bản thân đang xuất hiện các dấu hiệu của đái tháo đường bạn nên tới các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, kiểm tra đường huyết. Tốt nhất nên thăm khám tại các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên chứ không nên tới các phòng khám tư nhân hoặc tự mua máy đo đường huyết để tự chẩn đoán tại nhà.

Dưới đây là một số lưu ý khi xét nghiệm đường huyết:

- Thông thường, bệnh sẽ cần phải nhịn đói và không được uống nước ngọt (có thể uống nước đun sôi để nguội, nước lọc) ít nhất 8h trước khi tiến hành lấy máu làm xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường. Do vậy, nếu bạn đi thăm khám vào buổi sáng thì bạn không được ăn sáng trước thời điểm lấy máu.

- Trong hầu hết các trường hợp, nếu lần đầu kiểm tra cho thấy mức đường huyết của bạn nằm trong ngưỡng của người đái tháo đường thì để có kết quả chính xác nhất các bác sỹ sẽ yêu cầu bạn đến kiểm tra lại một lần nữa. Lần kiểm tra sau cách lần đầu không quá 7 ngày.

Có thể thấy rằng biết cách nhận biết các triệu chứng đái tháo đường sẽ giúp cho người bệnh có thể phát hiện và điều trị sớm bệnh. Tuy nhiên, nhiều trường hợp triệu chứng khi mắc đái tháo đường là không rõ ràng. Chính vì vậy, nếu bạn là đối tượng có nguy cơ cao như người có tiền sử gia đình mắc đái tháo đường, thừa cân béo phì, ít vận động thể chất… thì sau 45 tuổi nên thăm khám, kiểm tra đường huyết định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín.

 

Nguồn:

https://patient.info/doctor/diabetes-mellitus-pro

https://www.diabetes.co.uk/diabetes-symptoms.html