Tiểu đường là căn bệnh mạn tính nguy hiểm, chưa thể chữa khỏi hoàn toàn. Thế nhưng, bằng việc tìm hiểu kỹ về bệnh tiểu đường tuýp 1, tuýp 2, bạn sẽ tìm ra rất nhiều cách để giúp quản lý căn bệnh hiệu quả tới suốt đời, hướng tới mục tiêu sống an nhàn, khỏe mạnh hơn.

Bệnh tiểu đường, hay đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa rất phổ biến với tỷ lệ người mắc tại Việt Nam vẫn không ngừng gia tăng chóng mặt. Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể của bạn không thể sản xuất hoặc sử dụng insulin đúng cách. Điều đó khiến đường glucose trong máu tăng cao thay vì chúng được đưa vào tế bào để tạo ra năng lượng cho cơ thể hoạt động.

tìm hiểu kỹ về bệnh tiểu đường tuýp 1, tuýp 2

Có mấy loại bệnh tiểu đường?

Bệnh tiểu đường có 3 loại chính: tiểu đường tuýp 1, tiểu đường tuýp 2 và tiểu đường thai kỳ.

  • Bệnh tiểu đường tuýp 1 là một bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể phá hủy các tế bào beta trong tuyến tụy, khiến chúng không sản xuất được insulin.
  • Tiểu đường tuýp 2 là bệnh phổ biến hơn, chiếm 90% tổng số ca tiểu đường. Mặc dù thường gặp ở người trưởng thành nhưng độ tuổi mắc tiểu đường tuýp 2 ngày càng trẻ hóa do lối sống lười vận động và chế độ ăn uống không khoa học.
  • Tiểu đường thai kỳ là bệnh phát triển trong thời kỳ mang thai, đem đến rủi ro cao cho cả mẹ và bé. Bệnh này có thể biến mất sau khi sinh nhưng người mẹ có nguy cơ cao mắc tiểu đường tuýp 2 và em bé dễ bị béo phì về sau.

Tiểu đường tuýp 2 có nặng hơn tiểu đường tuýp 1?

Tiểu đường tuýp 2 không có nghĩa là nặng hơn tuýp 1. Cả hai loại này đều có thể gây ra các hậu quả nặng nề cho người bệnh. Tiểu đường tuýp 2 thường tiến triển âm thầm trong khoảng 5 – 10 năm do đó, biến chứng đã có thể xuất hiện từ giai đoạn này. Ngược lại tiểu đường tuýp 1 do thiếu insulin tuyệt đối, đường máu tăng quá cao có thể dẫn tới biến chứng cấp tính như nhiễm toan ceton, hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu đặc biệt nguy hiểm.

Bệnh tiểu đường có mấy giai đoạn?

Ở giai đoạn cuối, bệnh tiểu đường gây tổn thương lên nhiều cơ quan trong cơ thể

Ở giai đoạn cuối, bệnh tiểu đường gây tổn thương lên nhiều cơ quan trong cơ thể

Tiểu đường tuýp 1 khi phát hiện là tuyến tụy đã không còn khả năng sản xuất insulin, vì vậy không có giai đoạn tiến triển. Ngược lại, tiểu đường tuýp 2 thường diễn ra lần lượt theo các giai đoạn:

  • Giai đoạn tiền tiểu đường: Đường huyết tăng cao nhưng chưa đến ngưỡng chẩn đoán bệnh tiểu đường type 2, thường kéo dài trung bình 7 năm.
  • Giai đoạn bệnh tiểu đường: Đường huyết tăng cao, nhưng vẫn có thể kiểm soát, chưa gây ảnh hưởng gì nghiêm trọng tới các cơ quan trong cơ thể.
  • Giai đoạn kiểm soát đường huyết khó khăn: Khi đó, tuyến tụy bị suy kiệt, đề kháng insulin nghiêm trọng khiến đường huyết tăng cao khó hạ hoặc lên xuống thất thường. Đề kháng insulin gây rối loạn chuyển hóa chất béo, tăng nguy cơ tim mạch, xơ vữa mạch, huyết áp cao…
  • Giai đoạn cuối: Tiểu đường giai đoạn cuối khi đã có nhiều biến chứng phối hợp như suy thận, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tổn thương thần kinh, bệnh võng mạc... Đây là giai đoạn đặc biệt nguy hiểm, cần điều trị tích cực theo chỉ định của bác sĩ.

Triệu chứng nhận biết bệnh tiểu đường?

Bệnh tiểu đường tuýp 1 thường gây ra các triệu chứng rầm rộ và phát triển nhanh chóng trong vài tuần. Ngược lại, triệu chứng tiểu đường tuýp 2 lại phát triển chậm trong nhiều năm, thậm chí nhiều người không hề biết mình đã mắc căn bệnh này cho đến khi gặp biến chứng (như mờ mắt hoặc bệnh tim).

Dưới đây là một triệu chứng thường gặp:

  • Khát nước và đi tiểu nhiều
  • Thường xuyên thấy đói
  • Mệt mỏi vô cớ
  • Mắt mờ, suy giảm thị lực
  • Tê hoặc ngứa ran ở bàn chân hoặc bàn tay
  • Vết loét, vết thương không lành
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân

Bốn bước giúp đối phó với bệnh tiểu đường suốt đời

Đọc và ghi chép lại 4 bước này, sau đó lên kế hoạch thực hiện mỗi ngày, tạo thành thói quen trong điều trị sẽ giúp bạn sống lâu hơn với bệnh tiểu đường.

Bước 1: Giảm căng thẳng

Căng thẳng sẽ làm tăng đường huyết. Do đó, hãy tìm hiểu vì sao bạn có trạng thái này và nên sớm điều chỉnh tâm trạng của mình. Hãy thử hít sâu thở chậm, làm vườn, đi dạo, ngồi thiền và làm các công việc theo sở thích.

Bạn cũng hãy nhờ người thân giúp đỡ khi cảm thấy xuống tinh thần. Nếu biểu hiện này là trầm trọng, hãy đến và tâm sự với bác sĩ tâm lý để được tháo gỡ.

Yoga với các bài tập hít thở sẽ rất có ích cho bạn trong việc thư giãn tinh thần

Yoga với các bài tập hít thở sẽ rất có ích cho bạn trong việc thư giãn tinh thần

Bước 2: Kiểm soát chặt chẽ chế độ ăn

Kiểm soát chế độ ăn không có nghĩa là bạn cần đong đếm số lượng chính xác thực phẩm mà mình ăn hàng ngày, cũng như bạn không cần phải ăn kiêng quá nghiêm ngặt. Thực tế, bạn có thể ăn tất cả những thực phẩm mà mình mong muốn. Tuy nhiên, cần hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường, muối hoặc dầu mỡ để tránh bệnh nặng thêm. Dưới đây là một số lời khuyên:

  • Chọn thực phẩm có nhiều chất xơ, chẳng hạn các loại rau lá xanh, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu đỗ….
  • Ăn trái cây nguyên quả, thay vì xay sinh tố hoặc nước ép vì làm tăng nhanh đường huyết.
  • Chia số lượng thực phẩm trong mỗi bữa ăn thành 4 phần, trong đó một 2 phần là các loại rau củ, trái cây, 1 phần là chất đạm (thịt nạc, cá, trứng, sữa…) và phần còn lại là ngũ cốc (cơm trắng, bánh mì, khoai lang…).
  • Trong bữa ăn, hãy luôn ăn rau củ và uống nước canh trước khi ăn các thực phẩm khác để giúp làm chậm hấp thu đường sau ăn.

Bước 3: Luyện tập mỗi ngày

Bạn hãy tự đặt mục tiêu luyện tập mỗi ngày, chẳng hạn như đi bộ 10 mỗi ngày và 3 lần/một tuần, sau đó tự tăng dần thời gian hoặc số lần đi bộ trong tuần. Ngoài ra, bạn có thể tập thêm các môn thể thao khác như chạy bộ, bơi lội, tập dưỡng sinh, thái cực quyền, tenis, bóng chuyền…

Bước 4: Tích cực và chủ động điều trị

Dưới đây là những lời khuyên cụ thể:

  • Dùng thuốc tiểu đường đều đặn theo chỉ định của bác sĩ, bạn nên dùng thuốc vào một thời điểm cố định trong ngày.
  • Kiểm tra bàn chân mỗi ngày để xem xét có vết thương, mụn nước, đốm đỏ nào không để sớm có biện pháp điều trị.
  • Đánh răng hàng ngày bằng thuốc đánh răng có chứa fluor để ngăn ngừa sâu răng. Ngoài ra, nên súc miệng và vệ sinh răng miệng sạch sẽ sau ăn sẽ giúp phòng nguy cơ viêm lợi.
  • Ngưng sử dụng thuốc lá (nếu có).
  • Theo dõi đường huyết, huyết áp thường xuyên bằng máy đo cầm tay và ghi nhận lại trong một cuốn sổ.

Phần lớn thời gian bạn điều trị bệnh tiểu đường là tại nhà. Chính vì lẽ đó mà tự trang bị kiến thức cho bản thân bằng cách tìm hiểu kỹ về bệnh tiểu đường sẽ giúp bạn có đầy đủ hành trang sống chung với căn bệnh này tới suốt đời.

 

Nguồn:

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/type-2-diabetes/diagnosis-treatment/drc-20351199

https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/managing-diabetes/4-steps