Tiểu đường biến chứng suy thận là một trong số những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, có hơn 50% các trường hợp suy thận là do tiểu đường. Việc điều trị kéo dài, tốn kém chi phí, gây tổn hao nhân lực, sức khỏe tinh thần của người tiểu đường và người thân của họ. Chính vì lẽ đó mà việc phát hiện và điều trị sớm biến chứng suy thận có ý nghĩa to lớn, giúp làm chậm quá trình tiến triển của biến chứng này.

Nguyên nhân gây suy thận do tiểu đường

Thận là một cơ quan rất quan trọng của cơ thể. Bên trong mỗi quả thận chứa hàng triệu mạch máu nhỏ đóng vai trò như một hệ thống lọc giúp loại bỏ các chất thải ra khỏi máu. Khi máu chảy qua hệ thống mạch máu nhỏ tại thận, các chất thải (thường có kích thước nhỏ) sẽ được lọc, thải ra ngoài và trở thành một phần của nước tiểu. Các thành phần khác của máu (có kích thước lớn hơn) như protein hay hồng cầu lại thường thể đi qua các “lỗ lọc” nên sẽ được giữ lại.

Hình ảnh thận bị tổn thương trong bệnh tiểu đường, làm suy giảm chức năng lọc máu

Hình ảnh thận bị tổn thương trong bệnh tiểu đường, làm suy giảm chức năng lọc máu

Tình trạng đường huyết tăng cao kéo dài ở người bệnh tiểu đường có thể gây tổn thương các mạch máu nhỏ ở khắp cơ thể như mạch máu nhỏ tại mắt, mạch máu nhỏ nuôi dưỡng các dây thần kinh, mạch máu nhỏ tại thận… từ đó gây ra nhiều biến chứng khác nhau. Khi hệ thống mạch máu nhỏ ở thận bị tổn thương sẽ ảnh hưởng lớn đến chức năng lọc máu của thận dẫn tới biến chứng suy thận.

Dấu hiệu nhận biết sớm biến chứng thận

Ở giai đoạn đầu khi mức độ suy thận còn nhẹ thì người bệnh có thể không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Tuy nhiên, khi mức độ suy thận càng nặng thì các triệu chứng lại xuất hiện càng nhiều. Các triệu chứng mà người bệnh có thể gặp phải như:

  • Đau đầu do cao huyết áp
  • Nước tiểu có màu bất thường: Có thể hơi vàng đục, nhất là vào buổi sáng sớm. Tiểu tiện liên tục, có thể 3 - 4 lần vào ban đêm.
  • Mệt mỏi, đắng miệng, chán ăn, buồn nôn, mờ mắt, giảm tập trung, giảm ham muốn tình dục do các chất độc hại chậm được đào thải bên trong cơ thể
  • Mệt mỏi, chóng mặt, da xanh tái, móng tay, móng chân, môi nhợt nhạt do thiếu máu (hormon erythropoietin do thận sản xuất đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất hồng cầu)
  • Đau nhức các khớp tay chân, thường là đầu gối trở xuống
  • Xỉn răng, đau răng, chảy máu chân răng… do mất cân bằng một số vi chất bên trong máu điển hình nhất là phốt pho và canxi
  • Phù ở mặt, tay, chân, bụng… do ứ nước bên trong cơ thể

Biến chứng suy thận có nguy hiểm không?

Suy thận làm tăng thêm gánh nặng bệnh tật và chi phí chữa trị cho người tiểu đường

Suy thận làm tăng thêm gánh nặng bệnh tật và chi phí chữa trị cho người tiểu đường

Ở giai đoạn đầu số lượng và mức độ tổn thương tại các mạch máu tại thận chưa lớn thì chức năng lọc máu của thận vẫn được đảm bảo, mức độ ảnh hưởng trên cơ thể là chưa đáng kể. Cùng với thời gian, các mạch máu tại thận bị tổn thương ngày càng nhiều, chức năng của thận ngày càng bị suy giảm. Bên trong cơ thể thận đảm nhận rất nhiều vai trò quan trọng như lọc vài bài tiết các chất độc hại ra khỏi máu, điều hòa huyết áp, điều hòa sự cân bằng của acid- bazơ và một số vi chất trong máu, sản xuất một số loại hormon…

Do vậy, khi bị suy thận (thận bị suy giảm chức năng) có thể khiến huyết áp tăng và kéo theo hàng loạt các rối loạn bên trong cơ thể. Suy thận tiến triển mức độ nghiêm trọng nhất là khi thận mất hoàn toàn chức năng, lúc này người bệnh sẽ phải lọc máu thường xuyên để duy trì sự sống.

Ngoài ra, các nghiên cứu còn cho thấy rằng biến chứng suy thận còn làm tăng cao nguy cơ nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não ở người bệnh.

Cách điều trị biến chứng suy thận

Người ta chia suy thận thành nhiều giai đoạn khác nhau, từ nhẹ tới nặng. Tùy thuộc từng giai đoạn bác sĩ sẽ có những chỉ định cụ thể về việc dùng thuốc, ăn uống hay tập luyện. Đến giai đoạn nặng, 100% người bệnh cần lọc máu thường xuyên, có thể 3 – 4 lần/tuần. Việc thay thận hiện nay y học đã có thể tiến hành thành công, nhưng việc áp dụng đại trà vô cùng khó khăn do chi phí tốn kém.

Tự kiểm soát huyết áp và đường huyết

Đường huyết hay huyết áp tăng cao đều sẽ đẩy nhanh quá trình suy thận. Bốn điều cần làm để giúp làm giảm huyết áp là: giảm cân, ăn ít muối, tập thể dục thường xuyên, tránh uống rượu và thuốc lá. Các giải pháp để kiểm soát huyết áp cũng rất hữu ích trong việc kiểm soát đường huyết.

Tuy nhiên, để kiểm soát đường huyết hiệu quả nhất thì người bệnh cần thực hiện chế độ ăn giảm lượng chất bột đường, giảm thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ chất béo, tránh thực phẩm chế biến hay đóng gói sẵn, tăng cường sử dụng các thực phẩm chứa nhiều chất xơ đồng thời sử dụng thuốc đều đặn.

Thuốc điều trị suy thận mạn tiểu đường

Đương nhiên, việc sử dụng thuốc hạ đường huyết đối với bệnh nhân đã xuất hiện biến chứng suy thận vẫn là bắt buộc. Tùy vào tình trạng của từng bệnh nhân cụ thể các bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng và loại thuốc phù hợp nhất hoặc chuyển qua tiêm insulin.

Một số thuốc điều trị cao huyết áp có thể làm tăng đường huyết hoặc che giấu đi các triệu chứng của hạ đường huyết. Các chuyên gia y tế nhận định rằng, nhóm thuốc điều trị cao huyết áp tốt nhất dành cho người bệnh gặp phải biến chứng suy thận do tiểu đường là nhóm ức chế men chuyển (Ức chế ACE) như captopril, enalapril… Các nghiên cứu thậm chí còn cho thấy rằng nhóm thuốc này tốt cho bệnh nhân bị suy thận do tiểu đường ngay cả khi không có kèm theo cao huyết áp.

Chế độ ăn

Bạn cần cắt giảm muối trong thực phẩm khi thận bị suy yếu

Bạn cần cắt giảm muối trong thực phẩm khi thận bị suy yếu

Để giảm gánh nặng cho thận người bệnh cần thực hiện một chế độ ăn theo những khuyến cáo dưới đây:

  • Giảm sử dụng thực phẩm giàu chất đạm (thịt, trứng…). Tuy nhiên người bệnh cần lưu ý rằng nên giảm các thực phẩm giàu đạm nhưng không nên kiêng tuyệt đối vì nếu sử dụng quá thực phẩm chứa đạm thì có thể khiến da, tóc, móng yếu đi, các tổn thương lâu lành hơn và làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể…
  • Giảm sử dụng muối trong chế độ ăn

Khi biến chứng suy thận ở mức độ nặng thì người bệnh sẽ cần hạn chế thêm các thực phẩm bao gồm:

  • Thực phẩm giàu kali như: Bơ, chuối, cam, mận, nho khô, bí ngô, khoai tây, cà chua, các loại đậu đỗ…
  • Thực phẩm giàu phốt pho: sô cô la, các loại ngũ cốc nguyên hạt…
  • Nước: Nước cần thiết cho cơ thể nhưng ở giai đoạn nặng của suy thận bạn sẽ không nên uống nhiều nước vì có thể làm tăng huyết áp, suy tim, khó thở.

Tiểu đường biến chứng suy thận thường âm thầm tiến triển trong rất nhiều năm, khi đã có dấu hiệu tức là bệnh đã nặng. Nếu chẳng may đang gặp phải biến chứng này, bạn cần có kế hoạch điều trị tích cực để cùng với bác sĩ kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp và các bệnh mắc kèm, từ đó giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.

 

Nguồn:

https://www.thediabetescouncil.com/diabetes-and-renal-failure-everything-you-need-to-know/

http://www.diabetes.org/living-with-diabetes/complications/kidney-disease-nephropathy.html