Khi thấy một người thân mắc bệnh, chắc hẳn bạn rất lo lắng xem tiểu đường (tuýp 1, tuýp 2) có lây không, có di truyền không và nếu có thì cần làm cách nào để phòng tránh. Cùng tìm hiểu bài viết sau đây để được giải đáp lần lượt các vấn đề này.

Tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính, không phải là bệnh lây lan nhưng có thể di truyền sang con cái

Tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính, không phải là bệnh lây lan nhưng có thể di truyền sang con cái

Bệnh tiểu đường là gì?

Tiểu đường (hay còn gọi là đái tháo đường) là bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính, bắt đầu từ rối loạn chuyển hóa đường, kéo theo là chất đạm, chất béo. Bệnh tiểu đường được chia làm 2 dạng chính, bao gồm tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 với các nguyên nhân gây bệnh không giống nhau. Nếu như tiểu đường tuýp 1 xảy ra khi tuyến tụy mất hẳn khả năng sản xuất insulin, thì tiểu đường tuýp 2 là do kháng insulin.

Insulin là hormon có nhiệm vụ vận chuyển đường từ máu vào tế bào nhằm tạo ra năng lượng cho cơ thể hoạt động. Thiếu hụt insulin hoặc đề kháng insulin khiến đường bị tích tụ trong máu. Lượng đường tăng cao kéo dài có thể gây ra nhiều nguy hiểm như tăng nguy cơ mắc bệnh tim, huyết áp cao, rối loạn mỡ máu, tổn thương thần kinh, thận, mắt…

Bệnh tiểu đường có lây lan sang người khác không?

Sự thiếu hụt insulin không xuất phát do nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng, vi rút, vi khuẩn hay do nấm gây ra. Vì vậy bệnh tiểu đường kể cả tuýp 1 và tuýp 2 đều không lây lan từ người này sang người khác. Giờ đây, bạn sẽ không cần phải lo lắng khi tiếp xúc trực tiếp với người tiểu đường khi nói chuyện hoặc ăn uống. Bên cạnh đó, bệnh tiểu đường cũng không lây qua đường máu, qua quan hệ tình dục, do đó khi có vợ hoặc chồng mắc bệnh, bạn có thể hoàn toàn an tâm.

Bệnh tiểu đường có di truyền từ cha mẹ sang con cái không?

Không có một nguyên nhân duy nhất gây ra bệnh tiểu đường, đó là sự cộng hợp của nhiều yếu tố khác nhau, trong đó di truyền kết hợp môi trường sống không thuận lợi khiến căn bệnh này dễ bùng phát hơn.

Tỷ lệ di truyền của bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 là không giống nhau, mặt khác bố hoặc mẹ mắc bệnh hoặc cả hai cùng mắc bệnh thì nguy cơ di truyền sang con cũng khác nhau.

Yếu tố di truyền của bệnh tiểu đường tuýp 1

Mẹ bị tiểu đường tuýp 1 có thể di truyền sang con

Mẹ bị tiểu đường tuýp 1 có thể di truyền sang con

Các nghiên cứu mới nhất đã chỉ ra rằng, nếu mẹ bị tiểu đường tuýp 1, tỷ lệ con mắc bệnh là 3%, tỷ lệ này tăng lên 5% nếu cả bố và mẹ đều mắc bệnh. Như vậy bệnh tiểu đường tuýp 1 không di truyền hoàn toàn, rõ ràng đã có nhiều yếu tố kích hoạt căn bệnh này phát triển, chẳng hạn như:

  • Thời tiết lạnh: Mùa đông tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 thường cao hơn mùa hè, do đó, ở các quốc gia có khí hậu mát mẻ, tỷ lệ tiểu đường tuýp 1 cũng cao hơn.
  • Virus: Trong quá trình mang thai hoặc sau khi chào đời, nếu trẻ bị nhiễm virus sởi, quai bị, rotavirus… thì khả năng mắc bệnh cao hơn.

Theo khuyến cáo của Viện Nhi khoa Hoa Kỳ, để phòng ngừa bệnh tiểu đường tuýp 1 di truyền cho con, các bà mẹ bị tiểu đường tuýp 1 sau sinh nên cho con bú sữa mẹ ít nhất từ 6 tháng trở lên.

Bệnh tiểu đường tuýp 2 và di truyền

Yếu tố di truyền của bệnh tiểu đường tuýp 2 không mạnh mẽ bằng tiểu đường tuýp 1, nhưng sự ảnh hưởng từ lối sống, môi trường sống trong gia đình lại khá rõ ràng.

Nếu bạn có bố mẹ, anh chị bị tiểu đường tuýp 2, rất khó để xác định rằng bệnh tiểu đường của bạn là do di truyền hay do ảnh hưởng từ thói quen sống của gia đình gây ra. Lý do được các nhà khoa học giải thích rằng xu hướng sinh hoạt cùng với gia đình sẽ giống nhau về sở thích ăn uống hoặc thói quen ít lành mạnh như lười tập thể dục, xem tivi, ít vận động, thường xuyên thức khuya sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

Một số yếu tố khác có thể kể đến bao gồm:

  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Ít vận động thể lực
  • Bị huyết áp cao,  tiền sử nguy cơ tim mạch, cholesterol máu cao
  • Phụ nữ sinh con trên 4kg hoặc trước kia từng bị tiểu đường thai kỳ
  • Stress, căng thẳng liên tục
  • Mắc hội chứng buồng trứng đa nang

Như vậy là ngay cả khi không có tiền sử gia đình, lối sống, môi trường sống cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 của một người. Mặc dù không ngăn chặn được hoàn toàn, nhưng những thay đổi từ lối sống, kiểm soát căng thẳng, chế độ ăn có thể giúp bạn phòng ngừa hiệu quả căn bệnh này.

Ăn uống lành mạnh, khoa học, thường xuyên tập luyện sẽ giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường hiệu quả

Ăn uống lành mạnh, khoa học, thường xuyên tập luyện sẽ giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường hiệu quả

Hướng dẫn cách kiểm soát đường huyết ở người tiểu đường

Khi bạn đã biết rằng mình an toàn, hãy luôn nhớ rằng người thân của bạn vẫn đang phải chiến đấu với căn bệnh này. Mặc dù cho đến nay, tiểu đường tuýp 1 hay tuýp 2 vẫn chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng người thân bạn vẫn có thể chung sống khỏe mạnh với căn bệnh này nếu biết kiểm soát tốt đường huyết, giữ chúng ở ngưỡng an toàn. Để làm được điều này, hãy khuyên người thân của bạn làm tốt những lưu ý sau:

  • Giảm cân: Ở những người đã có cân nặng lý tưởng, bạn hãy cố gắng duy trì thể trạng của cơ thể như vậy. Nhưng với người dư cân, béo phì nên giảm ít nhất 5 - 7% trọng lượng của cơ thể để giúp làm giảm tình trạng kháng insulin. Lưu ý nên giảm cân khoa học với chế độ ăn, luyện tập hợp lý.
  • Hoạt động thường xuyên: vận động thường xuyên 30 phút mỗi ngày và 5 buổi/tuần sẽ là “liều thuốc tự nhiên” làm giảm kháng insulin hiệu quả, nhờ đó đường huyết được kiểm soát tốt hơn.
  • Ăn chế độ ăn có lợi cho sức khỏe: Đó là chế độ ăn bạn cảm thấy vừa đủ, không bị ăn cố hoặc ăn quá no. Nên ăn nhiều rau xanh, các loại đậu đỗ, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi, hạn chế thực phẩm nhiều đường và chất béo.
  • Giảm căng thẳng: Thư giãn tinh thần sau mỗi ngày làm việc căng thẳng bằng cách nghe nhạc, đi bộ hoặc ngồi thiền.
  • Bỏ các chất kích thích: Bạn không nên sử dụng thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích thường xuyên.
  • Dùng thảo dược hạ đường huyết: Các sản phẩm từ lá Xoài, lá Neem, Hoàng bá, Quế chi, Mướp đắng có khả năng giảm và ổn định đường huyết hiệu quả. Bạn hãy đưa chúng vào kế hoạch điều trị để giúp quản lý bệnh tiểu đường tốt hơn.

Như vậy là bạn đã có thể an tâm khi bệnh tiểu đường không hề lây lan, chỉ có một phần nào đó liên quan đến di truyền nhưng bạn vẫn có thể phòng tránh. Nếu còn cần thêm bất kỳ thông tin nào về bệnh tiểu đường, cách thức điều trị, hãy để lại bình luận để được chúng tôi giải đáp nhanh nhất.

 

Nguồn:

https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview https://www.cdc.gov/diabetes/basics/diabetes.html

http://www.healthline.com/health/diabetes-causes#overview1

https://www.medicalnewstoday.com/articles/317468.php