Tiểu đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa làm lượng đường trong máu tăng cao (từ 7 mmol/l trở lên). Khi mới mắc tiểu đường, nhiều người không khỏi băn khoăn, lo lắng với các câu hỏi như: Bệnh tiểu đường là bệnh nặng hay nhẹ, tiểu đường tuýp 2 hay tuýp 1 nặng hơn, tiểu đường sống được bao nhiêu năm, có chữa được không… Bạn hãy đọc bài viết dưới đây để biết đáp án chính xác.

Bệnh tiểu đường như thế nào là nặng, như thế nào là nhẹ?

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Hằng (Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn), không có một tiêu chuẩn cụ thể nào để xác định tình trạng tiểu đường như thế nào là nặng, là nhẹ. Nhưng nhìn chung, tiểu đường được coi là nhẹ khi người bệnh được phát hiện và điều trị sớm, kiểm soát được mức đường huyết, HbA1C ổn định và ít mắc kèm các bệnh khác.

(HbA1c là chỉ số đánh giá khả năng kiểm soát đường huyết trong 3 tháng gần nhất. HbA1c càng cao, khả năng xảy ra biến chứng nguy hiểm càng lớn)

Tuy nhiên, nếu đường huyết của bạn đang lên xuống thất thường, mắc thêm nhiều bệnh khác như huyết áp, tim mạch... hay có những biến chứng tiểu đường thì chứng tỏ bệnh đang tiến triển xấu, nặng dần lên.

Các biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường đó là:

Biến chứng cấp tính

Là những biến chứng xảy ra đột ngột do đường huyết tăng quá cao hoặc giảm xuống quá thấp. Người tiểu đường có thể bị hôn mê, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Biến chứng mạn tính

Biến chứng mạn tính sẽ xảy ra như một phần tất yếu của bệnh, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể.

Biến chứng mạn tính có thể gặp ở mọi cơ quan trong cơ thể

Biến chứng mạn tính có thể gặp ở mọi cơ quan trong cơ thể

- Trên tim mạch: Gây các bệnh mạch vành, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim.

- Trên thận: Viêm cầu thận, xơ thận, suy thận.

- Trên mắt: Đục thủy tinh thể, bệnh võng mạc đái tháo đường, tăng nhãn áp và mù lòa.

- Trên thần kinh: Tổn thương thần kinh ngoại vi gây tê bì, châm chích lòng bàn tay, bàn chân, mất dần chức năng cảm nhận (không cảm nhận được đau, nóng, lạnh…)...

- Biến chứng bàn chân: Những tổn thương thần kinh và mạch máu ngăn cản sự nuôi dưỡng bàn chân, gây chậm lành các vết thương, hoại tử, thậm chí là cắt cụt chân ở người tiểu đường.

Dấu hiệu bệnh tiểu đường trở nặng

Để hạn chế những biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, suy thận, cắt cụt chi xảy ra, người tiểu đường cần biết đến những dấu hiệu sẽ xuất hiện sớm dưới đây:

- Đường huyết tăng cao dù vẫn dùng thuốc đều đặn theo chỉ định.

- Tê bì, nóng rát lòng bàn chân, bàn tay, cảm giác như kiến bò, đau nhức bắp thịt.

- Mắt mờ dần, nhìn đôi, nhìn ba hoặc có hiện tượng nhìn thấy quầng sáng như cầu vồng.

- Nhịp tim nhanh khi nghỉ, hồi hộp, đánh trống ngực.

- Đau tức ngực, có thể kèm khó thở, mệt mỏi.

- Dễ bị ngứa, nhiễm trùng, đặc biệt là cơ quan sinh dục.

- Tiểu đêm nhiều lần, nước tiểu vàng, sủi bọt, có mùi hôi.

- Có vết thương hở điều trị lâu lành hoặc ngày càng nghiêm trọng

Khi những dấu hiệu này xuất hiện, điều đó chứng tỏ đường huyết của bạn đang không được kiểm soát tốt. Bạn hãy đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra, đo đường huyết và chỉ số HbA1c, từ đó có hướng điều trị kịp thời.

Tiểu đường tuýp 2 hay tuýp 1 nặng hơn?

Để trả lời cho câu hỏi “tiểu đường tuýp 2 hay tuýp 1 nặng hơn”, GS. TS Thái Hồng Quang - Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái Tháo Đường Việt Nam cho biết:

“Không có một tiêu chuẩn cụ thể nào để đánh giá loại tiểu đường tuýp mấy thì nặng hơn. Bởi một khi đã bị tiểu đường, các biến chứng xảy ra là như nhau đối với cả tuýp 1 và tuýp 2. Biến chứng tiểu đường xảy ra sớm hay muộn thì lại phụ thuộc vào người bệnh có kiểm soát đường huyết tốt hay không.

Ở tiểu đường tuýp 1, ngay từ khi được chẩn đoán, người bệnh đã buộc phải tiêm insulin để giảm đường huyết, đây là bắt buộc. Còn người bệnh tiểu đường tuýp 2 thì có nhiều cách giảm đường huyết hơn, ban đầu có thể là chưa cần dùng thuốc mà chỉ cần thay đổi ăn uống, tập thể dục, sau đó là dùng thuốc uống và sau đó mới là tiêm insulin.

Tiểu đường tuýp 2 nhiều cách kiểm soát đường huyết hơn, nhưng nếu mà không kỷ luật, đường huyết cứ lên xuống thất thường thì biến chứng còn đến sớm hơn tiểu đường tuýp 1.

Tóm lại, bệnh tiểu đường tuýp 2 hay tuýp 1 nặng hơn thì không phán xét được và người bệnh cũng không cần quan tâm đến điều đó. Việc mà chúng ta cần làm đó là phải kiểm soát tốt đường huyết để kéo dài thời gian mắc biến chứng tiểu đường”.

Đường huyết ổn định sẽ kéo dài thời gian xuất hiện biến chứng ở người tiểu đường

Đường huyết ổn định sẽ kéo dài thời gian xuất hiện biến chứng ở người tiểu đường

Bí quyết sống lâu khi mắc bệnh tiểu đường

Để kéo dài thọ và sống vui khỏe khi mắc bệnh tiểu đường, bạn cần có một lối sống lành mạnh theo những lời khuyên dưới đây.

Có chế độ ăn uống hợp lý

Người tiểu đường hoàn toàn có thể tự xây dựng cho mình một thực đơn phù hợp cho bản thân mình theo những nguyên tắc sau:

  • Ăn nhiều chất xơ.
  • Hạn chế tinh bột, chất bột đường.
  • Hạn chế chất béo bão hòa.
  • Bổ sung đủ chất đạm.

Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý nên chia nhỏ thành nhiều bữa (khoảng 5 bữa/ngày), ăn các thực phẩm chứa nhiều chất xơ trước để hạn chế hấp thu đường vào máu.

Bạn hãy cập nhật ngay thông tin về chế độ ăn cụ thể giúp đường huyết ổn định mỗi ngày.

Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục thường xuyên là cách hiệu quả để insulin hoạt động tốt hơn, từ đó kiểm soát tốt đường huyết. Người tiểu đường nên tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày với các hoạt động như đi bộ, đạp xe, tập yoga, thái cực quyền, chơi bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông, bơi lội...

Hạn chế căng thẳng (stress)

Căng thẳng, lo âu là một trong những nguyên nhân làm đường huyết tăng cao. Người tiểu đường cần giữ trạng thái tinh thần thoải mái. Nếu đang gặp tình trạng stress, bạn hãy thử một số biện pháp để giải tỏa như trò chuyện cùng bạn bè, người thân, đi dạo, ngủ đủ giấc… hoặc bất cứ việc gì bạn yêu thích.

Hạn chế đồ uống có cồn

Những đồ uống có cồn như rượu, bia sẽ phải đối mặt với nguy cơ hạ đường huyết cấp tính, tăng nguy cơ biến chứng tim mạch. Nếu bạn không thể bỏ hoàn toàn rượu bia thì nên uống ít hơn so với thường ngày. Lượng tối đa được khuyến cáo cho người tiểu đường là 2 chén rượu hoặc 2 lon bia/ngày đối với nam, 1 chén rượu hoặc 1 lon bia/ngày đối với nữ.

Bỏ thuốc lá

Trong thuốc lá có nhiều chất độc hại, đặc biệt là nicotin, gây nặng thêm tình trạng kháng insulin, tăng nguy cơ biến chứng thận, tim mạch ở người tiểu đường. Do vậy, người tiểu đường nếu đang hút thuốc lá nên bỏ thói quen xấu này.

Dùng thảo dược hạ đường huyết

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh các thảo dược như lá Xoài, lá Neem, Quế chi, Mướp đắng, Hoàng bá có hiệu quả cao trong việc hạ đường huyết. Người tiểu đường nếu sử dụng những thảo trên, kết hợp với tuân thủ điều trị, lối sống lành mạnh sẽ giúp đường huyết ổn định lâu dài, hạn chế nguy cơ biến chứng tiểu đường.

Đến đây, chắc hẳn bạn đã nắm được những thông tin về mức độ nguy hiểm của bệnh tiểu đường cùng với giải pháp để sống vui, sống khỏe khi mắc bệnh. Tất cả chúng đều phụ thuộc chủ yếu vào khả năng tự kỉ luật trong việc duy trì thói quen tốt trong cuộc sống  hàng ngày của bạn.

 

Tài liệu tham khảo: Healthline, Diabetes.co.uk