Nước lọc là công thức hoàn hảo cho người bệnh tiểu đường, bởi chúng tinh khiết, không có năng lượng, không đường. Nhưng người mắc bệnh tiểu đường, ngoài nước lọc, có thể thưởng thức thêm những thức uống nào khác mà vẫn đảm bảo không tăng đường huyết, đồng thời bổ sung thêm nhiều chất dinh dưỡng? Câu trả lời sẽ có trong bài viết này.
Vai trò việc lựa chọn đồ uống khi mắc tiểu đường
Một nghiên cứu mới đây đăng tải trên tạp chí Chăm sóc sức khỏe tiểu đường (Diabetes Care) cho biết, những người uống chỉ 2 ly nước mỗi ngày (tương đương 500 ml) có nguy cơ bị tiểu đường cao hơn so với người uống nhiều nước. Mối liên hệ này được thể hiện bằng nồng độ của hormon vasopressin. Khi lượng hormon này tăng lên ở những người dùng ít nước, gan sẽ sản sinh đường nhiều hơn để đưa vào trong máu. Vì vậy, uống đủ nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn bệnh tiểu đường phát triển.
Lựa chọn nước uống đúng cách rất quan trọng với người bệnh tiểu đường
Khi đã bị tiểu đường, các loại nước uống hàng ngày gây ảnh hưởng trực tiếp tới đường huyết. Có rất nhiều công thức đồ uống khác nhau, chúng cung cấp hàm lượng đường và nhiều chất dinh dưỡng khác nhau. Nếu đồ uống có nhiều đường và năng lượng là món đồ uống mà bạn yêu thích, hãy cẩn thận, vì chắc chắn rằng bệnh tiểu đường của bạn sẽ khó được quản lý.
Những đồ uống tốt cho người tiểu đường
Trên thực tế, không có một công thức chung cho tất cả các loại đồ uống của người bệnh tiểu đường. Do ở mỗi quốc gia, vùng miền và ngay chính vị giác của người bệnh sẽ khác nhau. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo dưới đây là những thức uống tốt nhất người bệnh tiểu đường nên lựa chọn sau nước lọc.
Trà hoa cúc
Không có năng lượng, không đường, hương thơm dễ chịu và dồi dào chất chống oxy hóa. Trà hoa cúc rất phù hợp cho người bệnh tiểu đường. Sử dụng trà hoa cúc thường xuyên còn giúp giảm đường huyết và ngăn ngừa hiệu quả biến chứng thần kinh, mạch máu và bệnh thận tiểu đường.
Sữa hạnh nhân
Sữa hạnh nhân nếu sử dụng thường xuyên sẽ giúp giảm đường huyết. Tuy nhiên, bạn nên lựa chọn loại nguyên chất, không pha thêm đường và không có chất tạo màu, tạo mùi. Có thể pha sữa hạnh nhân cùng một thìa bơ đậu phộng hoặc ½ trái chuối để sử dụng cho bữa ăn sáng.
Giấm táo
Giấm táo có rất nhiều công dụng hữu ích, một trong số đó là giúp cải thiện tính nhạy cảm của insulin, từ đó hạ đường huyết. Đặc biệt giấm táo nếu sử dụng đúng cách, với lượng vừa phải có thể giúp kiểm soát cân nặng, hỗ trợ giảm cân ở người tiểu đường. Cách dùng: lấy 2,3 thìa cà phê giấm táo pha cùng một cốc nước ấm hoặc trà, uống vào buổi sáng.
Trà đen
Một nghiên cứu thực hiện tại Trung Quốc cho thấy, trà đen có hàm lượng polysaccharides cao nhất nên giúp làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu. Một nghiên cứu mới của Đức tìm thấy, nhấm nháp 3 - 4 ly mỗi ngày có thể giảm được 16% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Trà cũng có thể giúp làm giảm nguy cơ đột quỵ và bệnh tim.
Nước dừa
Dừa là thức uống tự nhiên rất tốt cho người tiểu đường bởi hàm lượng đường thấp, nhiều khoáng chất và vitamin. Tuy nhiên, bạn không nên uống quá nhiều nước dừa mỗi ngày, mỗi ngày chỉ sử dụng 1 quả và uống vào buổi sáng + trưa sẽ tốt hơn sử dụng vào buổi chiều hoặc tối.
Sô cô la nóng
Một cốc socola nóng cùng chút hạnh nhân có thể là bữa sáng hoàn hảo cho người bệnh tiểu đường. Bởi socola nóng giúp thúc đẩy quá trình chuyển hóa glucose và làm giảm huyết áp. Lưu ý không sử dụng đường, sữa, có thể tạo vị ngọt bằng đường không năng lượng.
Xem thêm:
Người bệnh tiểu đường có nên uống bia, rượu?
Rượu không phải là thức uống giải khát, nhưng lại là thức uống quen thuộc của nam giới trên bàn tiệc. Thứ nước xã giao này có nên sử dụng hay không gây ra rất nhiều tranh cãi ở người tiểu đường và tốt nhất bạn nên thảo luận cùng bác sĩ của bạn về vấn đề này.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, sử dụng 2 lon bia mỗi ngày và một ly rượu vang đỏ không ảnh hưởng tới việc kiểm soát đường huyết ở người bệnh tiểu đường, ngược lại còn có tác dụng tốt tim mạch, giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch và cải thiện tâm trạng. Nhưng nếu lạm dụng rượu bia, đặc biệt là các loại rượu mạnh có thể ảnh hưởng tới đường huyết, tương tác với thuốc điều trị tiểu đường, gây giảm hiệu quả điều trị.
Rượu, bia không phải là thức uống cấm ở người bệnh tiểu đường, tuy nhiên, mỗi người nên sử dụng mức độ vừa phải.
Nguồn:
https://www.thedailymeal.com/drink/8-drinks-help-fight-diabetes-slideshow/slide-8
https://www.medicalnewstoday.com/articles/314164.php