“Người bị tiểu đường không nên ăn gì?” là thắc mắc chung của mọi người bệnh. Tin vui là bạn có thể kiểm soát đường huyết tốt với chế độ ăn đa dạng nếu biết danh sách các thực phẩm cần hạn chế và những lựa chọn thay thế của chúng.
Lựa chọn những thực phẩm lành mạnh giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả
Chế độ ăn là một phần quan trọng của quá trình điều trị tiểu đường. Bạn ăn gì, lượng bao nhiêu, thời điểm như thế nào đều có thể ảnh hưởng đến chỉ số đường huyết. Thế nhưng điều này không đồng nghĩa với việc để kiểm soát tốt đường huyết, bạn sẽ phải sống chung suốt đời với các bữa ăn kiêng khem và nghèo nàn. Cách đơn giản nhất để đa dạng hóa bữa ăn của mình là hiểu về các thực phẩm mà bản thân sử dụng, đâu là thực phẩm có lợi, đâu là thực phẩm có hại.
Người bị tiểu đường không nên ăn gì trong nhóm tinh bột?
Tinh bột là nguồn cung cấp glucose trực tiếp. Khi vào cơ thể, nhóm chất dinh dưỡng này được phân cắt thành đường, sau đó qua ruột và hấp thu vào máu. Tùy loại tinh bột mà thời gian và tốc độ chuyển hóa thành glucose sẽ khác nhau. Tinh bột phức tạp được chuyển hóa chậm hơn tinh bột đơn giản. Nói cách khác, nếu muốn hạn chế nguy cơ tăng cao đường huyết sau ăn, bạn nên cắt giảm các thực phẩm chứa tinh bột đơn giản và thay thế bằng tinh bột phức tạp. Dưới đây là một số gợi ý cụ thể về hai nhóm tinh bột này.
Nhóm thực phẩm chứa tinh bột đơn giản:
- Cơm, bún, phở, khoai tây, bánh mỳ trắng…
- Bánh quy, bánh ngọt, kẹo, siro.
- Ngũ cốc ăn sẵn.
- Nước ngọt có gas.
- Nước ép trái cây, mứt, trái cây khô.
Nhóm thực phẩm chứa tinh bột phức tạp:
- Rau xanh, các loại đậu.
- Trái cây tươi, khoai lang.
- Ngũ cốc nguyên hạt: gạo lức, yến mạch, kiều mạch.
Rau xanh không có tinh bột và có nhiều chất xơ, tốt cho người tiểu đường
Các thực phẩm chứa chất béo mà người tiểu đường cần hạn chế?
Khác với tinh bột, chất béo không trực tiếp làm tăng lượng đường trong máu tuy nhiên nhóm dinh dưỡng này lại liên quan mật thiết với tình trạng kháng lnsulin và các bệnh lý tim mạch. Việc ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch ở người tiểu đường – đối tượng vốn đã có tỷ lệ mắc bệnh tim mạch cao gấp 3 lần người bình thường.
Tuy nhiên, không phải loại chất béo nào cũng gây hại, người tiểu đường chủ yếu cần tránh các chất béo bão hòa đặc biệt là chất béo chuyển hóa trong các thực phẩm sau:
- Mỡ động vật.
- Thực phẩm chế biến sẵn (xúc xích, thịt xông khói…).
- Đồ chiên rán.
- Nội tạng động vật, lòng đỏ trứng.
- Pho mát, bơ, dầu dừa…
Thay vào đó, bạn nên lựa chọn chất béo không bão hòa từ cá, hải sản, dầu thực vật (dầu oliu, dầu đậu nành, dầu hạt cải…), đặc biệt nên ưu tiên chế biến bằng phương pháp nướng, luộc thay vì chiên rán ở nhiệt độ cao.
Người bị bệnh tiểu đường nên kiêng gì trong nhóm chất đạm?
Chất đạm là một trong ba nguồn năng lượng chính của cơ thể. Mặc dù nhóm chất này có thể chuyển hóa thành glucose nhưng quá trình chuyển hóa diễn ra chậm, ít khiến lượng đường trong máu tăng cao. Đặc biệt khi kết hợp với tinh bột, chất đạm còn có thể làm giảm tốc độ hấp thu đường vào máu, gián tiếp giúp ổn định đường huyết.
Có hai nguồn chất đạm chính là động vật và thực vật, tuy nhiên đạm từ động vật thường đi kèm lượng chất béo bão hòa lớn. Do đó, bạn nên hạn chế nguồn chất đạm này để phòng ngừa nguy cơ tim mạch. Một trong những loại thực phẩm giàu đạm động vật và chất béo bão hòa mà người bệnh tiểu đường cần giảm thiểu là các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu…
Ngoài ra, để đảm bảo chế độ ăn cân bằng giữa các nhóm chất dinh dưỡng, khi giảm đạm động vật, bạn nên bù đắp bằng đạm thực vật trong các loại đậu (đậu nành, đậu lăng, đậu đỏ…), đạm từ sữa tách béo, thịt gia cầm bỏ da hoặc cá và hải sản. Nếu bị suy thận, bạn cần tính toán thêm tổng lượng đạm cung cấp hàng ngày, tránh vượt quá 0,3 – 0,6 g đạm/kg cân nặng làm tăng gánh nặng cho thận.
Người bị tiểu đường không nên ăn trái cây gì?
Người tiểu đường nên ăn trái cây như cam, việt quất, táo… vì chứa nhiều chất chống oxy hóa và vitamin
Sẽ thật sai lầm khi bạn loại bỏ hoàn toàn trái cây ra khỏi thực đơn ăn uống của mình bởi đây là nguồn vitamin và chất xơ dồi dào mà ít nhóm thực phẩm khác có được.
Để tránh tăng cao đường huyết sau ăn, bạn chỉ cần hạn chế một số loại quả chứa lượng đường cao như: mít, sầu riêng, xoài, vải, nhãn… Thay vào đó bạn ăn các loại trái cây có chỉ số đường huyết thấp hơn như bưởi, ổi, táo, lê, thanh long…
Ngoài ra, bạn cũng cần khống chế số lượng trái cây ăn mỗi ngày. Lý tưởng nhất là không quá 150 g/mỗi lần (lượng trái cây nắm trọn trong lòng bàn tay) và tối đa 2 lần/ngày.
Không có lời giải chính xác tuyệt đối cho câu hỏi “Người bị tiểu đường không nên ăn gì?”. Thực tế, bạn có thể ăn bất cứ thực phẩm nào nhưng phải kiểm soát rất chặt chẽ số lượng thức ăn và đôi khi, không phải ai cũng thực hiện được điều này. Cách đơn giản và khôn ngoan hơn là lựa chọn các thực phẩm thay thế, vừa giúp kiểm soát đường huyết vừa duy trì sự ngon miệng.
Nguồn:
https://www.medicinenet.com/diabetic_diet_for_type_2_diabetes/article.htm#what_type_of_fats_are_recommended_for_a_type_2_diabetes_diet_plan
https://www.curejoy.com/content/foods-diabetics-should-avoid/
https://www.healthline.com/nutrition/foods-to-avoid-with-diabetes#section8
http://healthyeating.sfgate.com/list-good-carbs-bad-carbs-6520.html
https://www.inlifehealthcare.com/2014/10/20/10-dangerous-foods-to-avoid-diabetes/