Ăn uống là cách đơn giản nhất để tăng sức đề kháng phòng chống virus corona. Thế nhưng với người bệnh tiểu đường, nên ăn gì để vừa tăng sức đề kháng vừa tránh đường huyết tăng cao lại không phải điều dễ dàng. Dưới đây là những thực phẩm sẽ giúp bạn đạt được đồng thời 2 mục tiêu này.
Có nhiều thực phẩm vừa giúp người tiểu đường tăng sức đề kháng, vừa ổn định đường huyết.
Trái cây giàu vitamin C
Tác dụng chống oxy hóa, hỗ trợ tăng cường miễn dịch để phòng ngừa virus corona của vitamin C là không thể bàn cãi. Tuy nhiên, nhiều người dân chưa hiểu kỹ đã vội vàng tự ý đi mua vitamin C dạng viên để uống thêm.
Thực tế thì chỉ cần bổ sung vitamin C từ rau củ quả là đã đủ. Sử dụng thêm các viên uống hàm lượng cao sẽ gây thừa vitamin C, rất nguy hiểm cho cơ thể. Thông thường, các viên vitamin C chỉ nên được dùng thêm khi được bác sĩ kê đơn nhằm hỗ trợ điều trị bệnh.
Ở nước ta, bạn rất dễ để tìm được nhiều loại trái cây giàu vitamin C như:
- Ổi: Đây là loại trái cây đứng số một trong danh sách giàu vitamin C. Chứa lượng vitamin C gấp 4 lần so với quả cam, ổi ngoài ra cũng rất giàu vitamin A, acid folic và các chất khoáng như kali, đồng, mangan,... Ổi cũng là thức ăn tốt vì chứa nhiều chất xơ, ít chất béo bão hòa, ít cholesterol và muối natri, kể cả những bệnh nhân tiểu đường có biến chứng trên thận vẫn có thể ăn nhiều mà không phải lo ngại gì.
- Cam, quýt bưởi: Được mệnh danh là nhóm quả giàu cho vitamin C điển hình, các loại quả này có thường có hàm lượng vitamin C cao hơn rất nhiều so với những nhóm quả khác. Với vị chua ngon ngọt, lại sẵn có, giúp chống lại cảm cúm mùa lạnh, chứa nhiều chất dinh dưỡng, giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Đây chắc chắn là loại quả nên được dùng hằng ngày trong mỗi gia đình để phòng ngừa virus corona.
- Kiwi: Mỗi 100g quả kiwi có thể chứa đến 70mg vitamin C, ngoài ra còn rất nhiều kali, chất chống oxy hóa, acid béo omega-3, kiwi cũng được cho là một trong những loại trái cây giàu dinh dưỡng bậc nhất nên được bổ sung. Tuy nhiên, cần ý thêm là chỉ nên cắt quả ra trước khi ăn, vì để lâu sau khi cắt có thể làm giảm lượng vitamin C của quả.
- Đu đủ: Không chỉ có chỉ số đường huyết GI thấp, đu đủ cũng có thể chứa tới 62mg vitamin C trong 100g quả. Đặc biệt, đu đủ có chứa một loại men rất tốt cho người tiểu đường là papain. Hoạt chất này giúp bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các gốc tự do, do đó cũng giúp giảm thiểu phần nào nguy cơ biến chứng cho người bệnh. .
Ổi chứa nhiều vitamin C giúp tăng sức đề kháng hơn cả cam
Rau họ cải
Trong nhóm rau củ, thì các loại rau họ cải, đặc biệt là những rau có màu xanh sẫm thường rất giàu vitamin C giúp tăng sức đề kháng. Chưa kể đến các loại rau này có giàu chất xơ giúp ổn định đường máu cho người tiểu đường. Nếu bạn bị tiểu đường và muốn phòng ngừa virus corona, đây sẽ là nhóm thực phẩm mà bạn không nên bỏ qua hàng ngày. Dưới đây là một số loại rau điển hình trong nhóm này:
- Rau cải xanh: Trong 100g rau cải xanh có thể chứa đến 89 mg vitamin C. Ngoài ra, loại rau này còn giàu beta-carotene, carotenoid, vitamin B, canxi, kẽm và chất xơ... tốt cho người tiểu đường.
- Súp lơ: Tương tự như rau cải xanh, ngoài giàu vitamin C, súp lơ còn chứa nhiều vitamin khác như: A, D, B6, sắt và một vài hoạt chất chống ung thư khác... Khi sử dụng loại rau này, bạn có thể luộc, hấp hoặc xào đều rất ngon miệng.
- Rau chân vịt: Nổi danh là một loại rau chứa nhiều vitamin C, B9, sắt, kali,...rau chân vịt là loại rau rất được ưa chuộng vì sự bổ dưỡng của nó. Các nhà khoa học cũng đã tìm ra nhiều carotenoid, lutein có tác dụng bảo vệ mắt, giảm khô mắt, ngứa mắt, cải thiện thị lực trong loại rau này. Điều này có thể giúp hạn chế được những ảnh hưởng lên mắt do tiểu đường cho người bệnh.
Một lưu ý nhỏ trong chế biến rau củ chứa nhiều vitamin C đó là: Vitamin C rất nhạy cảm với nhiệt độ cao . Do đó, bạn chỉ cần nấu trong thời gian vừa đủ để chín.
Nấu vừa đủ chín để tránh việc rau củ bị mất vitamin C
Chất béo không bão hòa
Người bệnh tiểu đường thường được khuyên ăn hạn chế chất béo để tránh tăng cân. Bởi khi tăng cân sẽ làm tăng kháng lnsulin gây tăng đường máu. Thế nhưng, việc kiêng chất béo quá mức lại có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thu nhiều vitamin trong cơ thể. Đặc biệt là các vitamin tan trong dầu tốt cho hệ miễn dịch như A, E. Vì vậy, thay vì kiêng hoàn toàn chất béo, bạn nên lựa chọn các loại chất béo tốt như chất béo không bão hòa.
Một số thực phẩm chứa chất béo chưa bão hòa tốt cho sức khỏe người bệnh tiểu đường nên dùng là:
- Quả bơ: Chất béo có trong trái bơ có thể giúp giảm các triệu chứng đau do viêm khớp. Bơ cũng rất có lợi cho hệ tim mạch, nhờ đó có thể giảm được nguy cơ biến chứng lên tim mạch cho bệnh nhân tiểu đường.
- Cá: Một số loại cá như cá trích, cá mòi, cá thu, cá hồi và cá ngừ có chứa hàm lượng lớn axit béo omega-3 rất có lợi cho tim mạch, đồng thời hỗ trợ não bộ và hệ thần kinh cho người bị tiểu đường.
- Các loại hạt: Hạt hướng dương, hạt bí… đây cũng là nguồn chất béo tốt cho người tiểu đường.
- Các loại đậu (đỗ): Các loại đỗ có chứa axit omega-3 rất tốt cho sức khỏe về thể chất và tinh thần.
- Các loại dầu: Dầu mè, dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu oliu: tuy nhiên không nên đun nấu dưới nhiệt độ quá cao và trong thời gian dài. Bởi khi này chúng có thể chuyển thành chất béo chuyển hóa không tốt cho tim mạch.
Người bệnh tiểu đường nên ăn dầu thực vật thay vì mỡ động vật.
Gia vị có tính ấm, sát khuẩn
Các gia vị không chỉ giúp bữa ăn hằng ngày được ngon miệng, mà còn là “vũ khí” vô cùng hiệu quả nhằm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Một số gia vị điển hình phải kể đến:
- Gừng tươi: Loại củ này có tính ấm, giúp lưu thông khí huyết và chống viêm rất tốt. Bạn có thể dùng gừng tươi hoặc nấu cùng đồ ăn hoặc đun nước uống để tăng khả năng năng miễn dịch của hệ hô hấp.
- Tỏi sống: Ăn một vài nhánh tỏi mỗi ngày có thể giúp tăng cường sức khỏe, tăng sức đề kháng và bảo vệ tim mạch. Ngoài ra, tỏi còn có allicin tạo thành khi được băm nhuyễn hoặc dập nát, giúp diệt vi khuẩn, chống ung thư.
- Nghệ tươi: Hoạt chất Curcumin trong nghệ có thể giúp chống lại sự xâm nhập của nhiều loại vi khuẩn virus. Đồng thời, nghệ còn có thể kháng viêm, chữa lành vết thương hiệu quả.
Do đó, sử dụng các gia vị này thường xuyên cũng là một trong những cách phòng dịch viêm phổi do virus corona an toàn.
Ngũ cốc nguyên hạt
Trong bệnh tiểu đường, đường huyết có chiều hướng tăng vọt sau khi ăn nhưng lại không chuyển hoá được để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Vì thế, chế độ ăn của người bị tiểu đường cần phải hạn chế bớt glucid. Tuy nhiên, glucid cũng là thành phần chính giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể. Cơ thể có năng lượng thì mới có sức đề kháng để chống lại dịch bệnh.
Để đảm bảo cả hai mục tiêu này, người bệnh tiểu đường có thể lựa chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch... Những ngũ cốc này này chứa nhiều chất xơ, chất dinh dưỡng hơn gạo trắng, vừa giúp ổn định đường huyết mà vẫn cung cấp đủ năng lượng cho người bệnh.
Những thực phẩm chứa glucid tốt cho người bị tiểu đường vẫn cần được bổ sung đều đặn
Các thực phẩm chứa chất đạm dễ hấp thu
Chất đạm cũng là một nguyên liệu quan trọng tạo nên các kháng thể phòng chống virus. Tuy nhiên nếu chế độ ăn của chúng ta có quá nhiều đạm, thận phải hoạt động nhiều để loại bỏ nitơ và các chất thải của quá trình chuyển hóa protein thì thận có thể bị quá tải. Trên những bệnh nhân bị tiểu đường, biến chứng trên thận bình thường vốn đã là một mối lo lớn. Do đó, người bệnh tiểu đường nên lựa chọn một số thực phẩm có lượng đạm phù hợp, lại chứa các chất béo không bão hòa, tốt cho sức khỏe và hệ miễn dịch như:
- Các loại cá
- Các loại đậu, đậu phụ
- Nấm
- Trứng, sữa
- Thịt gia cầm
Như vậy, lựa chọn các thực phẩm vừa giúp ổn định đường máu, vừa giúp tăng cường sức đề kháng cho người bị tiểu đường không phải là quá khó. Có rất nhiều đồ ăn nhiều dinh dưỡng mà lại dễ tìm, dễ chế biến để người bệnh lựa chọn. Chỉ cần bổ sung các thực phẩm này hằng ngày kết hợp tập luyện vừa sức và tuân thủ chỉ định của bác sĩ, bạn có thể yên tâm vượt qua mùa đại dịch virus corona nguy hiểm này.