Thuốc Gliclazid (tên thương mại nổi tiếng Diamicron, Glizasan) đã ra đời cách đây hàng chục năm, nhưng cho tới hiện tại thuốc vẫn là một trong những thuốc loại thuốc điều trị tiểu đường quan trọng nhất, được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới. Nếu bạn mắc tiểu đường và cũng đang được chỉ định dùng Gliclazid thì những thông tin về cách sử dụng và những lưu ý cần biết khi dùng thuốc trong bài viết dưới đây sẽ rất hữu ích.
Gliclazid là thuốc hạ đường huyết, dùng cho người tiểu đường tuýp 2
Người bệnh tiểu đường tuýp 2 khi nào được dùng Gliclazid?
Khi mới phát hiện tiểu đường tuýp 2, thông thường các bác sĩ sẽ không chỉ định dùng thuốc ngay mà sẽ hướng dẫn thay đổi chế độ ăn uống và luyện tập để kiểm soát đường huyết.
Nếu việc thay đổi lối sống không giúp giảm đường huyết thì các bác sĩ sẽ bắt đầu chỉ định thuốc điều trị và Gliclazid là một trong những lựa chọn trong lúc này.
Gliclazid giúp giảm đường huyết bằng cách nào?
Tiểu đường tuýp 2 là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính, đặc trưng bởi tình trạng nồng độ đường (gluocse) trong máu tăng cao, với nguyên nhân là do cơ thể sử dụng insulin không hiệu quả (kháng insulin) hoặc tuyến tụy không sản xuất đủ lượng insulin cần thiết hoặc kết hợp cả hai nguyên nhân trên. Tác dụng giảm đường huyết của Gliclazid chủ yếu là nhờ kích thích tuyến tụy tăng giải phóng insulin.
Ngoài tác tác dụng này, các nhà khoa học còn phát hiện ra rằng Gliclazid còn có tác dụng ngăn việc tạo thành cục máu đông bên trong lòng mạch, từ đó giúp giảm nguy cơ về các biến chứng tim mạch.
Sự khác nhau giữa dạng bào chế bình thường và có đuôi MR?
Cả hai dạng thuốc này đều có thành phần là Gliclazid tuy nhiên, MR là tên gọi của dạng bào chế để thuốc có thể phát huy được tác dụng kéo dài (một ngày chỉ cần uống thuốc một lần).
Thuốc Gliclazid sử dụng với liều lượng như thế nào?
Liều lượng khởi đầu khi bắt đầu sử dụng Gliclazid là khoảng 30-90mg/ngày, tuy nhiên thông dụng nhất là sử dụng 80mg/ngày. Đối với những trường hợp nặng hơn có thể tăng liều lên 160-320mg/ngày uống chia hai lần.
Lưu ý: Liều lượng thuốc sử dụng như thế nào sẽ phụ thuộc rất nhiều vào từng trường hợp người bệnh cụ thể, do vậy cần có các bác sĩ chuyên môn để xem xét, chỉ định liều thích hợp.
Các tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng Gliclazid?
Hạ đường huyết là một trong những tác dụng không mong muốn phổ biến khi sử dụng Gliclazid
Hạ đường huyết là tác dụng phụ thường gặp nhất khi sử dụng Gliclazid, đặc biệt là khi người bệnh bỏ bữa mà vẫn dùng thuốc. Các triệu chứng của hạ đường huyết có thể là đau đầu, đói cồn cào, buồn nôn, nôn mửa, bồn chồn trong người, không tỉnh táo, chóng mặt, choáng váng, nhìn mờ, run rẩy… Ngoài hạ đường huyết thì một số tác dụng phụ khác cũng có thể xuất hiện khi dùng thuốc Gliclazid bao gồm:
- Rối loạn chức năng da và mô dưới da: Phát ban, ngứa, nổi mề đay, mẩn đỏ
- Rối loạn công thức máu như giảm số lượng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu
- Rối loạn chức năng gan: các triệu chứng của viêm gan có thể xuất hiện như vàng da, mắt, tăng men gan, mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng, nước tiểu sẫm màu... Thông thường người bệnh sẽ phải dừng thuốc nếu gặp phải tác dụng không mong muốn này.
- Rối loạn thị lực: Các rối loạn về thị lực như nhìn mờ, hoa mắt có thể xuất hiện, đặc biệt là trong thời gian đầu điều trị.
Hãy thông báo cho bác sĩ điều trị để nhận được sự tư vấn nếu gặp phải các tác dụng không mong muốn nêu trên.
Cách sử dụng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Gliclazid?
Với viên MR chỉ cần uống một lần mỗi ngày vào trước bữa ăn sáng, nếu không ăn sẽ dễ bị hạ đường huyết. Người bệnh cần uống cả viên thuốc chứ không được nhai, nghiền hay bẻ nhỏ ra để cho dễ uống hơn.
Đối với dạng viên thông thường nếu được chỉ định sử dụng một lần trong ngày thì cũng nên uống trước khi ăn sáng, còn nếu chỉ định sử dụng 2 lần/ngày thì sẽ uống vào trước bữa ăn sáng và bữa tối.
Thuốc Gliclazid đòi hỏi phải sử dụng đều đặn, do vậy tốt nhất bạn nên uống thuốc vào cùng một thời điểm trong ngày để tránh quên. Trong trường hợp có nhỡ quên một liều thuốc, bạn chỉ nên uống bù nếu lúc nhớ ra gần với thời điểm mà phải sử dụng thuốc, còn nếu đã xa thời điểm uống thuốc thì hãy bỏ qua liều đã quên và cố gắng uống thuốc đều đặn trong những lần tiếp theo (không uống bù với liều gấp đôi).
Sử dụng thuốc Gliclazid đúng giờ giúp nâng cao hiệu quả điều trị tiểu đường tuýp 2
Thuốc Gliclazid có thể gây nguy hiểm cho phụ nữ có thai và thai nhi do đó nếu bạn có ý định mang thai hoặc tình cờ phát hiện mình mang thai trong thời gian sử dụng Gliclazid thì cần thông báo cho bác sĩ để chuyển sang sử dụng loại thuốc điều trị khác.
Các tương tác cần lưu ý khi sử dụng thuốc Gliclazid
Tương tác với các thuốc khác
Thuốc có thể gây ra tương tác nghiêm trọng (có thể gây tử vong) nếu kết hợp thuốc điều trị nấm miconazole (dạng uống)do đó cần tránh sử dụng cùng nhau. Ngoài ra một số loại thuốc khác có thể gây ra tương tác ở mức độ vừa phải có thể kết hợp được với nhau nhưng cần theo dõi chặt chẽ như:thuốc ức chế ACE (captopril, enalapril);chloramphenicol; cimetidin;thuốc chống đông máu như warfarin;thuốc hạ mỡ máu nhóm fibrates (lipanthyl), thuốc giảm đau chống viêm như aspirin, ibuprofen; kháng sinh nhóm sulphonamide như sulfamethoxazole, co-trimoxazon, oestrogens và progesterones; thuốc lợi tiểu thiazide như bendroflumethiazide…
Tương tác với thức ăn, đồ uống
Gliclazid có thể gây tương tác với chất cồn làm tăng cao nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ hạ đường huyết, do đó không sử dụng rượu bia trong thời gian uống loại thuốc này.
Cho dù sử dụng thuốc Gliclazid hay bất kỳ loại thuốc nào khác thì cũng không thể thay thế cho chế độ ăn uống và luyện tập khoa học ở người bệnh tiểu đường. Chính vì vậy, một lối sống khoa học vẫn luôn luôn cần thiết để người bệnh có thể giảm và ổn định đường huyết một cách hiệu quả.
Nguồn:
http://www.medicines.ie/medicine/15519/SPC/Diamicron+MR+60mg/ http://www.netdoctor.co.uk/medicines/diabetes/a8268/diamicron-mr-gliclazide/