Những thắc mắc thường gặp xung quanh vấn đề chữa tiểu đường như: chữa có khỏi không, chữa ở đâu, dùng cách nào hiệu quả, khi nào cần dùng thuốc, dùng lá Xoài chữa tiểu đường có tốt không… sẽ lần lượt được giải đáp cụ thể trong bài viết sau đây.

Bệnh tiểu đường có chữa khỏi được không?

Tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính khó có thể chữa khỏi, nhưng bạn hoàn toàn có thể kiểm soát tốt bệnh tiểu đường bằng cách: giữ đường huyết trong giới hạn ổn định, phát hiện và điều trị sớm biến chứng tiểu đường (trên tim, mắt, thận, thần kinh) cũng như các bệnh mắc kèm (huyết áp cao, gan nhiễm mỡ, rối loạn lipid máu…).

Để đạt được mục tiêu này, bạn cần kiểm soát tốt chế độ ăn, tăng cường luyện tập thể dục mỗi ngày và sử dụng thuốc theo chỉ định ở các giai đoạn sau của bệnh.

Sử dụng thuốc hạ đường huyết là 1 trong 3 phương pháp không thể thiếu khi chữa tiểu đường

Sử dụng thuốc hạ đường huyết là 1 trong 3 phương pháp không thể thiếu khi chữa tiểu đường

Khi nào cần sử dụng thuốc điều trị tiểu đường?

Với tiểu đường tuýp 1, cơ thể gần như mất khả năng sản xuất insulin. Do đó, chỉ định tiêm insulin kết hợp thay đổi lối sống là bắt buộc.

Với tiểu đường tuýp 2 đa số người bệnh sẽ được chỉ định các thuốc hạ đường huyết ngoài lnsulin, phổ biến nhất là Metformin (Glucophage), Gliclazid (Diamicron), Amaryl, Acarbose (Glucobay)… Tác dụng chính của các thuốc này là giảm đường huyết thông qua giảm hấp thu đường tại ruột, tăng sản xuất insulin, tăng hiệu quả hoạt động của insulin, ức chế sản xuất đường tại gan. Trong đó, Metformin được Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) lựa chọn làm thuốc điều trị cho tất cả các giai đoạn của bệnh tiểu đường - trừ khi có chống chỉ định.

Tùy thuộc chỉ số HbA1c, đường huyết lúc đói và các triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải, bác sĩ sẽ cân nhắc dùng phác đồ điều trị 1 hay 2 thuốc hạ đường huyết khác phối hợp cùng Metformin.

Ngoài ra, trong hướng dẫn điều trị của ADA cũng nêu rõ, tiêm insulin nên được chỉ định cho người tiểu đường tuýp 2 khi phác đồ điều trị 3 thuốc uống không hiệu quả; khi đường huyết lúc đói ≥ 16.6 mmol/l, HbA1c ≥ 10%; khi người bệnh có vấn đề về gan thận nặng, mang thai hay chuẩn bị phẫu thuật.

5 Cách chữa bệnh tiểu đường không dùng thuốc là gì?

Muốn điều trị tiểu đường hiệu quả, dùng thuốc hạ đường huyết là chưa đủ. Bạn cần phối hợp thêm các cách chữa tiểu đường khác bao gồm:

Chế độ ăn lành mạnh

Ăn uống lành mạnh giúp kiểm soát bệnh tiểu đường hiệu quả

Người tiểu đường nên ăn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, đậu phụ, sữa không đường; hạn chế ăn tinh bột trắng (cơm, bún, phở…), đồ chiên rán, thức ăn nhanh.

Tập thể dục thường xuyên

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ CDC khuyến cáo người bệnh tiểu đường nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần, trong đó ưu tiên thực hiện các bài tập sức mạnh (nâng tạ, bài tập cường độ cao ngắt quãng) 2 - 3 lần/tuần.

Giảm cân, giảm béo bụng

Nếu bạn thừa cân, béo phì hoặc có vòng eo trên 89 cm (với phụ nữ), trên 101 cm (với nam giới), việc loại mỡ bụng và giảm 5 - 7% trọng lượng cơ thể sẽ giúp bạn kiểm soát đường huyết tốt hơn.

Kiểm soát hiện tượng ngưng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ ở người tiểu đường có nguy cơ gây đau tim và đột quỵ cao. Do đó, nếu bạn có các dấu hiệu của hội chứng này - ngáy lớn, cổ to, thừa cân, bạn nên trao đổi với bác sĩ để có biện pháp phòng ngừa.

Quản lý căng thẳng

Căng thẳng sẽ làm tăng đường huyết và dẫn đến mất ngủ - một yếu tố làm tăng đề kháng insulin. Để giảm căng thẳng bạn hãy áp dụng các biện pháp sau:

-        Tập yoga, thiền, thái cực quyền.

-        Hít thở sâu, giảm ánh sáng, tiếng ồn trước khi ngủ.

-        Không dùng cà phê, bia rượu, thức ăn cay vào ban đêm.

-        Tạo thói quen đi ngủ vào cùng một thời điểm trong ngày.

Chữa bệnh tiểu đường ở đâu tốt nhất?

Bạn có thể kiểm tra đường huyết để phát hiện tiểu đường tại hầu hết các cơ sở y tế trên toàn quốc. Tuy nhiên nếu muốn chữa tiểu đường hiệu quả, bạn nên tìm đến các bệnh viện lớn có chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường ví dụ các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương. Bởi đây là những nơi sở hữu đội ngũ y bác sĩ có kiến thức chuyên môn sâu, nhiều kinh nghiệm, có khả năng đánh giá toàn diện các nguy cơ liên quan đến bệnh lý tiểu đường và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của bạn. Đặc biệt khi bạn đã có dấu hiệu của biến chứng tiểu đường, việc khám chữa ở các bệnh viện chuyên khoa càng cần thiết.

Chữa tiểu đường là một quá trình lâu dài. Để có được hiệu quả điều trị tốt nhất, người bệnh cần nắm rõ các thông tin về bệnh đồng thời kết hợp đúng các phương pháp điều trị hiệu quả hiện nay bao gồm dùng thuốc, chế độ ăn, tập luyện và sử dụng các sản phẩm hỗ trợ.

 

Nguồn:

https://www.medicalnewstoday.com/articles/317074.php

https://thongtinthuoc.com/tin_tuc/ada-2018.html

https://www.diabetes.co.uk/Diabetes-drugs.html

https://www.everydayhealth.com/type-2-diabetes/treatment/managing/