Đề kháng insulin là một yếu tố đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển của nhiều chứng bệnh nguy hiểm như chứng rối loạn chuyển hóa, bệnh tim mạch, một số bệnh ung thư, gan nhiễm mỡ... Đặc biệt, đề kháng insulin thường xuất hiện trước khi người bệnh mắc tiểu đường tuýp 2 nhiều năm và nó cũng là nguyên nhân chính khiến cho đường huyết ở người tiểu đường tăng cao, khó kiểm soát.
Kháng insulin là nguyên nhân chính gây bệnh tiểu đường tuýp 2
Vai trò của insulin và đường glucose trong cơ thể
Trước khi muốn hiểu thế nào là đề kháng insulin chúng ta cần hiểu về vai trò, cũng như cách mà insulin và đường glucose hoạt động trong cơ thể.
Insulin:
- Insulin là một hormon được sản xuất bởi một nhóm các tế bào của tuyến tụy
- Tụy tiết ra insulin rồi đổ vào máu
- Insulin hoạt động cho phép đường có thể đi các tế bào, từ đó giúp giảm đường huyết
- Khi lượng đường trong máu giảm, sự bài tiết insulin của tuyến tụy cũng giảm theo
Đường glucose:
- Đường - glucose là nguồn năng lượng chính cho các tế bào của cơ thể
- Glucose được tạo ra từ hai nguồn chính đó là thực phẩm và được gan tổng hợp
- Đường được hấp thu vào máu, sau đó đi vào tế bào dưới sự trợ giúp của insulin
- Glycogen là dạng tích trữ của glucose ở trong gan, khi đường máu ở mức thấp (khi xa bữa ăn), gan sẽ chuyển đổi glycogen thành glucose để đổ vào máu nhằm giữ đường huyết ở mức bình thường.
Đề kháng insulin là gì?
Đề kháng insulin là tình trạng các tế bào của cơ thể “cản trở” hoạt động của insulin, có nghĩa là insulin vẫn được tuyến tụy sản xuất ra nhưng hoạt động không còn hiệu quả nữa. Hệ quả là glucose đi vào trong các tế bào khó khăn hơn, từ đó khiến cho đường huyết tăng cao hơn mức bình thường.
Dấu hiệu đề kháng insulin?
Dấu hiệu vùng da tối màu gặp ở một số người bệnh có đề kháng insulin
Ban đầu đề kháng insulin thường không gây ra bất kỳ triệu chứng gì nên rất khó để nhận biết, về sau lượng đường trong máu tăng dần các triệu chứng có thể xuất hiện bao gồm:
- Mệt mỏi
- Hay cảm thấy đói
- Khó tập trung
- Xuất hiện các vùng da tối màu thấy rõ nhất ở vùng da có nhiều nếp gấp (cổ, nách, bẹn).
Làm cách nào để phát hiện kháng insulin?
Hiện nay tại Việt Nam, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, một người sẽ được chẩn đoán có đề kháng insulin nếu có một trong các điều kiện dưới đây:
- Xét nghiệm đo glucose huyết đói (IFG): Glucose huyết tương lúc đói từ ≥ 100 mg/dL (5.6 mmol/L)
- Xét nghiệm rối loạn dung nạp glucose (IGT): ≥ 140 mg/dL (7.8 mmol/L)
- Xét nghiệm đo HbA1c: HbA1c ≥ 5.7% (39 mmol/mol)
Ngoài ra, có thể thực hiện xét nghiệm đo mức insulin trong máu: Nồng độ insulin huyết thanh lúc đói cao hơn 25 mIU/L hoặc 174 pmol/l được xem là kháng insulin.
Lưu ý: Tất cả người bệnh tiểu đường tuýp 2 được đều có sự xuất hiện của đề kháng insulin.
Nguyên nhân và những yếu tố nguy cơ gây đề kháng insulin
Cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây nên tình trạng đề kháng insulin, tuy nhiên các nhà khoa học nhận thấy rằng tình trạng này xuất hiện ở một số nhóm đối tượng:
- Những người bị thừa cân, béo phì
- Những người ăn quá nhiều thực phẩm nhưng lại ít vận động
- Thường xuyên gặp phải căng thẳng tâm lý
- Dùng các thuốc steroid (dexamethazol, testosterone…) liều cao hoặc trong thời gian dài
- Có bệnh cushing hoặc buồng chứng đa nang
Bạn có thể xem thêm video sau đây, bác sĩ sẽ cho bạn biết các nguyên nhân gây bệnh tiểu đường tuýp 2 và giải thích cặn kẽ hơn về tình trạng kháng insulin:
Hệ quả do đề kháng insulin
Với người bệnh tiểu đường tuýp 2, cùng với thời gian tình trạng đề kháng insulin tăng dần lên là nguyên nhân chính khiến cho đường huyết ngày càng khó kiểm soát. Vậy nên, người bệnh càng mắc tiểu đường lâu năm thì càng phải sử dụng thuốc với liều cao hơn. Chính vì lý do này mà để giảm và ổn định đường huyết ở người bệnh tuýp 2 hiệu quả nhất định phải làm giảm kháng insulin.
Những cách làm giảm đề kháng insulin để ổn định đường huyết
Giảm đề kháng insulin sẽ giúp bạn giảm nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, đồng thời cũng giúp bạn giảm nhẹ và làm chậm sự tiến triển của bệnh nếu đang mắc các bệnh lý mà nguyên nhân có liên quan tới kháng insulin. Để làm được điều này hãy thay đổi lối sống của mình theo những lời khuyên dưới đây ngay từ hôm nay.
- Ngừng hút thuốc lá
- Ăn uống lành mạnh và khoa học hơn: Tăng cường sử dụng trái cây, rau quả tươi và sử dụng nhiều hơn các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ như đậu phụ, các loại hạt, gạo lứt, các loại đậu đỗ, các loại rau có tính nhớt (rau mùng tơi, rau đay)…
- Tăng cường các hoạt động thể chất: các hoạt động thể chất mang lại hiệu quả rất tích cực trong việc giảm đề kháng insulin. Có nhiều hình thức bạn có thể lựa chọn như đi bộ, chơi thể thao, tập thể dục…vv nhưng điều quan trọng nhất đó là duy trì đều đặn mỗi ngày.
- Kiểm soát cân nặng của bản thân: Nếu bạn đang bị thừa cân, béo phì thì cần giảm cân bằng một chế độ ăn hạn chế năng lượng và thực hiện các hoạt động thể chất tích cực.
Có thể bạn quan tâm:
Kháng insulin không phải là tình trạng có thể khắc phục trong thời gian ngắn, do đó, hãy chủ động phối hợp cùng bác sĩ điều trị, bạn chắc chắn sẽ kiểm soát được tình trạng này.
Nguồn:
http://www.sciencedirect.com/topics/medicine-and-dentistry/insulin-resistance
https://www.drugs.com/mcd/type-2-diabetes