Liều thuốc tự nhiên tốt nhất cho người bệnh tiểu đường type 2, giúp kiểm soát bệnh suốt đời nằm ở chính cách bạn thay đổi lối sống như ăn uống và vận động. Ngoài ra, việc theo dõi tình trạng sức khỏe định kỳ thường xuyên tại các cơ sở y tế cũng làm cơ sở để đánh giá sơ bộ nguy cơ biến chứng tiểu đường trong tương lai.
Dưới đây là 7 thói quen cực kỳ đơn giản để giúp người tiểu đường tuýp 2 cải thiện chất lượng sống, nâng cao khả năng kiểm soát bệnh. Những thói quen này được Hướng dẫn bởi HIệp hiệp Đái tháo đường Châu Âu và Hoa Kỳ.
Duy trì thói quen sống lành mạnh giúp điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 hiệu quả
Thói quen 1: Thường xuyên đo huyết áp
Không chỉ với những người mắc bệnh tiểu đường kèm theo huyết áp cao, mà với người huyết áp bình thường cũng nên định kỳ kiểm tra huyết áp thường xuyên. Việc theo dõi huyết áp sẽ biết bạn có đang điều trị tốt hay không, với người chưa mắc sẽ dự phòng được sớm bệnh.
Bạn cũng cần lưu ý rằng, huyết áp cao sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim, đột quỵ não… Vì vậy, tầm soát huyết áp trong mức phạm vi an toàn sẽ giúp ngăn chặn biến chứng.
Thói quen 2: Kiểm soát triglycerit và LDL - C
Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, chỉ số triglycerit và LDL - C mới là 2 yếu tố trực tiếp làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch ở người tiểu đường tuýp 2. Vì vậy khi làm test mỡ máu, người bệnh nên lưu ý hơn tới hai chỉ số này.
May mắn rằng thói quen ăn uống có lợi sẽ phần nào giúp làm giảm mỡ máu cao. Bạn nên lựa chọn những thực phẩm có nhiều chất béo tốt như các loại quả hạch, trái bơ, dầu thực vật, cá biển… và hạn chế những thực phẩm chế biến sẵn, các loại bánh quy, mì tôm, xúc xích, thịt hun khói…
Thói quen 3: Không được lơ là chỉ số đường huyết
Không chỉ là đường huyết lúc đói, đường huyết sau ăn 1 - 2 giờ, mà các chỉ số đường huyết trước bữa ăn, đường huyết trước khi đi ngủ, đường huyết trước và sau khi tập thể dục… cũng nên được kiểm tra thường xuyên. Chi phí để sắm 1 máy đo đường huyết cá nhân là không quá đắt đỏ, thao tác thực hiện nhanh, dễ dàng, do đó, bạn không nên bỏ qua thiết bị này.
Ngoài ra, sau mỗi lần kiểm tra đường huyết, bạn hãy tập thói quen chép điều đó ra một cuốn sổ nhật ký. Việc theo dõi đường huyết từng ngày, đối chiếu theo tuần, theo tháng sẽ giúp bạn đúc kết ra nhiều kinh nghiệm điều trị, từ đó giúp hiệu quả đạt được cao hơn.
Kiểm tra đường huyết hàng ngày và ghi nhật ký, bạn sẽ kiểm soát bệnh tiểu đường tuýp 2 hiệu quả hơn
Thói quen 4: Ăn uống lành mạnh
Mặc dù bạn không cần quá kiêng khem khi mắc bệnh tiểu đường, tuy nhiên, để cải thiện sức khỏe nói chung, bạn không nên ăn quá nhiều đồ ngọt, tinh bột và các thực phẩm chế biến sẵn. Nên ăn nhiều hơn các loại rau có màu xanh thẫm, cá biển, chất đạm từ thực vật…
Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế bớt muối, bởi muối sẽ làm tăng nguy cơ huyết áp, tim mạch, làm nặng thêm gánh nặng cho thận ở người tiểu đường tuýp 2. Cách để hạn chế muối là bạn ăn nhạt hơn, hạn chế nêm nếm nhiều loại gia vị, hạn chế món kho xào mà nên ăn nhiều hơn đồ hấp, luộc. Sử dụng muối vừng, muối lạc… thay vì các loại nước mắm chấm khi chấm rau.
Thói quen 5: Luyện tập như thói quen
Khi bạn luyện tập thường xuyên và duy trì nó như thói quen hàng ngày, điều đó sẽ rất tốt cho huyết áp, đường máu, mỡ máu và tim mạch.
Theo các chuyên gia tiểu đường, thay vì dành thời gian tập luyện hết vào buổi sáng hay buổi chiều, bạn có thể chia đôi thời gian tập luyện. Nên tập nhẹ nhàng, đặt ra mục tiêu cố gắng từng hôm, nhưng nên nằm trong giới hạn sức khỏe của bản thân. Không nên tập các bài tập nặng, gắng sức ngay trong lần tập đầu tiên.
Với những người làm văn phòng hoặc công việc bận rộn, mỗi 45 phút làm việc, hãy đứng lên, vươn vai hoặc đi lại xung quanh nơi làm việc khoảng 5 phút. Với các này cho tổng thời gian tập luyện trong ngày được khoảng 30 - 45 phút, sẽ tương đương với một buổi tập bình thường.
Nếu có thêm bệnh xương khớp bàn chân, hãy tránh bài tập đi bộ, chạy bộ. Khi đó bạn nên tập đạp xe, bơi lội và các bài tập thân trên để tránh nặng thêm tình trạng bệnh.
Thói quen 6: Duy trì cân nặng lý tưởng
Giữ vóc dáng mảnh mai và thon gọn để không làm tăng đường máu và biến chứng
Người tiểu đường type 2 cần đặc biệt quan tâm đến cân nặng của bản thân. Không nên để các vùng như bắp tay, bắp chân, vùng bụng, mông… có quá nhiều mỡ thừa. Bởi đó là tác nhân gây kháng insulin, làm tăng đường huyết và tăng nguy cơ biến chứng.
Do đó, với người đang bị dư cân, béo phì, họ cần hỏi ý kiến của bác sĩ để được tư vấn cách luyện tập phù hợp.
Thói quen 7: Không dùng chất kích thích
Nicotin và CO (Carbon Monoxide) trong thuốc lá khiến mạch máu co lại, điều này khiến huyết áp tăng, tim đập nhanh lên và làm tăng đường huyết. Hút thuốc lá, uống rượu bia hoặc sử dụng các chất kích thích có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tim, đột quỵ, ung thu, phổi mãn tính, các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Do đó, khi đã mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, để hướng tới cuộc sống lành mạnh, tốt đẹp hơn, bạn nên cố gắng từ bỏ dần dần các chất kích thích (nếu đang sử dụng).
Có thể bạn quan tâm:
- Điều trị tiểu đường tuýp 2 không thể thiếu 4 phương pháp này
- 10 thực phẩm hạ đường huyết tốt nhất cho người tiểu đường
- Cách chữa bệnh tiểu đường tuýp 2 hiệu quả nhất cho người mới mắc
Trên đây là 7 thói quen lý tưởng, cực kỳ đơn giản và có thể thực hiện tại nhà mỗi ngày. Hy vọng rằng bài viết này sẽ thực sự hữu ích với bạn. Đừng quên chia sẻ cho chúng tôi bằng cách để lại bình luận.