Tôi bị tiểu đường tuýp 2, khi phát hiện cách đây 1 tháng đường huyết 18.8mmol/l. Tôi sau đó nằm viện 15 ngày, giờ về nhà sáng 1 viên Diamicron, chiều tối 1 viên Janumet 50/850 mg. Hàng ngày tôi test trước ăn số phẩy toàn 6.3 đến 7.4, buổi tối sau ăn 2 giờ thì chỉ 6.6 hoặc hơn chút ít. Cho tôi hỏi tại sao buổi sáng lại cao hơn tối và tôi phải điều chỉnh ăn không?
Trả lời:

Chào bạn

Đầu tiên về việc tăng đường huyết buổi sáng, nếu mức độ tăng không quá cao, đường huyết vẫn dưới 7mmol/l thì bạn không cần quá lo lắng, chỉ cần theo dõi thêm. Ngược lại, nếu trong nhiều buổi sáng liên tiếp mà đường khi đói đều tăng vọt trên 7 thì bạn thử đo lại đường huyết vào lúc 2 - 3 giờ sáng. Có 2 nguyên nhân chính gây tăng đường huyết buổi sáng:

1. Do hiện tượng bình minh: Thông thường buổi sáng, cơ thể sẽ tiết ra 1 số hormone gây tăng đường huyết. Ở một số người tiểu đường, tuyến tụy đã suy nên khi các hormone này xuất hiện thì cơ thể không tiết insulin để cân bằng được nên đường huyết buổi sáng đo sẽ tăng nhẹ. Nếu do nguyên nhân này thì khi bạn đo đường huyết vào lúc 2 - 3 giờ sáng sẽ thấy chỉ số bình thường.

2. Do hiệu ứng Somogyi: Một số người tiêm insulin, có thể liều thuốc buổi chiều tối vẫn chưa hợp lý dẫn đến nửa đêm họ bị hạ đường huyết. Ngay lập tức cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách tiết hormon gây tăng đường huyết.

Tuy nhiên đây chỉ là phỏng đoán của chúng tôi, để có kết luận chính xác bạn nên trao đổi thêm với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

Với mức đường huyết lúc đói hiện nay như của bạn là hoàn toàn nằm trong giới hạn cho phép. Do đó, bạn không nhất thiết phải điều chỉnh lại chế độ ăn. Tuy nhiên, bạn nên ăn nhiều hơn vào bữa sáng và bữa trưa, ăn ít hơn vào bữa tối và hạn chế ăn đêm để tránh tăng đường huyết sáng hôm sau.

Chúc bạn sức khỏe!