Nếu đã sống đủ lâu với bệnh tiểu đường tuýp 2, có thể với bạn việc chữa trị căn bệnh này chẳng còn đáng ngại. Nhưng, điều này trái ngược hoàn toàn với người mới mắc. Họ thường xuyên bối rối chưa biết tìm cách chữa trị đúng đắn và phù hợp. Vậy người mới mắc tiểu đường tuýp 2 cần điều trị như thế nào để ổn định nhanh đường máu, ngăn chặn biến chứng, kéo dài thời gian sống?
Trả lời:

Nếu đã sống đủ lâu với bệnh tiểu đường tuýp 2, có thể với bạn việc chữa trị căn bệnh này chẳng còn đáng ngại. Nhưng, điều này trái ngược hoàn toàn với người mới mắc. Họ thường xuyên bối rối chưa biết tìm cách chữa trị đúng đắn và phù hợp. Vậy người mới mắc tiểu đường tuýp 2 cần điều trị như thế nào để ổn định nhanh đường máu, ngăn chặn biến chứng, kéo dài thời gian sống?

Để giải đáp tất cả những băn khoăn này, chúng tôi đã phỏng vấn Ths.Bs Nguyễn Thị Thúy Hằng - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội. Là một chuyên gia về bệnh đái tháo đường, lại có nhiều năm đồng hành cùng người bệnh, bác sĩ sẽ giải đáp những thắc mắc và sai lầm thường gặp khi điều trị căn bệnh này.

Bác sĩ Thúy Hằng trong buổi phỏng vấn cùng MC Kim Chi

Xin chào bác sĩ, trước tiên xin bác sĩ cho biết bệnh tiểu đường (hay đái tháo đường) là bệnh gì?

Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa, đặc trưng là tăng đường máu do thiếu hụt tiết insulin hoặc khiếm khuyết về tác động của insulin hoặc cả hai.

Bệnh đang gia tăng nhanh chóng trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Ở Việt Nam tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường hiện giờ khoảng 3.5- 3.7 triệu người. Trong đó có 30% mới được chẩn đoán và điều trị, còn 70% dân số mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán và điều trị.

Vậy xin hỏi tiểu đường tuýp 2 có nguy hiểm hay không?

Đái tháo đường tuýp 2 vô cùng nguy hiểm, được biết tới như kẻ giết người thầm lặng ở thế kỷ 21. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong do tim mạch, cắt cụt chi không phải do tai nạn, dẫn tới mù lòa, đặc biệt là chạy thận ở các nước đang phát triển.

Khi chúng ta đang ngồi đây thì cả thế giới cứ 1 phút trôi qua thì có 1 người mất nhìn do đái tháo đường. Tại Việt Nam, năm 2017 đã cướp đi mạng sống của 29 ngàn người, tương đương với 80 người mỗi ngày do đái tháo đường.

Vậy hiện nay có những phương pháp nào đang được áp dụng để chữa trị căn bệnh này?

Khi điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 2 cần kết hợp 3 yếu tố đó là thuốc, chế độ tập luyện và chế độ ăn. Ba điều này được ví như ba kiềng ba chân và không thể thiếu được một yếu tố nào trong quá trình điều trị.

Việc điều trị bắt đầu từ thay đổi chế độ ăn và tập luyện. Nếu sau 3 tháng thay đổi nhưng đường huyết không đạt được mục tiêu sẽ phải điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, hiện nay thầy thuốc thường khuyên bệnh nhân điều trị bằng thuốc sớm hơn. Việc tập luyện chỉ bù trừ thêm chứ không thay thế phương pháp điều trị.

Trong số cách chữa bệnh đái tháo đường này, cách nào được xem là hiệu quả nhất?

Không thể nói cách nào hiệu quả nhất, bởi vì việc điều trị đái tháo đường cần cá thể hóa điều trị và chỉ số đường huyết của mỗi người sẽ khác nhau.

Ví dụ theo Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ, mục tiêu điều trị HbA1c dưới 7% và đường huyết lúc đói dưới 7mmol/l. Tiêu chuẩn này áp dụng với người bệnh còn trẻ, ít bệnh mắc kèm và thời gian sống còn dài. Với những người 60, 70, 80 tuổi thời gian sống còn ngắn, mắc các bệnh đồng mắc (bệnh mắc kèm) nhiều và có nguy cơ bị hạ đường huyết cao thì mục tiêu đường huyết cao lên, ví dụ HbA1c 8% hoặc 8.5%; đường huyết lúc đói có thể là 8, 9 hoặc 10 mmol/l.

Trong số cách chữa bệnh đái tháo đường này, cách nào được xem là hiệu quả nhất

Trong một số trường hợp tôi thấy người bệnh sau khi đi khám về được kê dùng thuốc ngay, nhưng có người chỉ dùng 1 loại, có người dùng 2 loại, có người lại tiêm insulin luôn? Vậy phải chẳng là dùng nhiều thuốc có nghĩa là bệnh nặng hơn ạ?

Thực ra để nói là bệnh nặng hơn cũng chưa đúng. Điều này sẽ phụ thuộc vào chỉ số đường huyết của mỗi người và phụ thuộc vào thời điểm phát hiện bệnh.

Người bệnh đái tháo đường thường được khởi trị khi đường huyết đã đến 7 - 8 mmol/l sẽ chỉ cần dùng một loại thuốc để giảm đường huyết. Tuy nhiên, khi đường huyết lên đến 8, 9, 10 mmol/l và HbA1c trên 7.5% hoặc trên 8% cần dùng hai loại thuốc kết hợp để giảm đường huyết. Đến khi đã dùng 3 - 4 loại thuốc kết hợp với nhau mà đường huyết vẫn không đạt được theo mức yêu cầu, tối ưu nhất của người bệnh đó thì cần tiêm insulin.

Insulin còn được tiêm trong những trường hợp như mắc kèm các bệnh nhiễm trùng cấp tính, ví dụ như viêm phổi, viêm đường hô hấp trên quá nặng, sốt hoặc nhiễm khuẩn đường tiểu, hoặc phải vào nhập viện. Một số các trường hợp khác nữa như bệnh nhân bị tăng men gan, bệnh nhân bị suy thận, hoặc bệnh nhân đang dùng một số liệu pháp để điều trị, ví dụ như phẫu thuật.

Vậy có khi nào người bệnh đái tháo đường được tạm thời ngưng thuốc hay không?

Để nói có được ngưng thuốc hay không? Câu trả lời cũng phải phụ thuộc vào mức đường huyết, có thể cắt giảm 1 hay vài loại thuốc. Nếu đường huyết chưa quá mức cho phép thì có thể ngưng một thời gian nhưng cần phải có sự tư vấn của bác sĩ, không được tự ý ngưng thuốc.

Thưa bác sĩ, một vài người bệnh sợ uống thuốc sẽ ảnh hưởng lên gan thận nên không sử dụng? Bác sĩ đánh giá sao về quan điểm này?

Nhiều người bệnh có tâm lý uống thuốc điều trị đái tháo đường type 2 sẽ ảnh hưởng đến gan thận. Vì thế một số bệnh nhân tự đi mua tìm thuốc tễ và hoàn, tôi cũng khuyên bệnh nhân tuyệt đối không nên dùng các thuốc này, bởi một số thuốc khá nguy hiểm.

Gần đây đồng nghiệp của chúng tôi đã cấp cứu một số trường hợp bệnh nhân không qua khỏi. Bởi các thầy lang y sử dụng các hoạt chất đã bị cấm sử dụng từ những năm 80 của thế kỷ trước, gây nhiễm toan, về sau bệnh nhân suy gan thận rất nặng.

Vì vậy bệnh nhân nên theo hướng dẫn của bác sĩ là tốt nhất. Khi dùng thuốc nên thông báo lại các triệu chứng, tác dụng phụ cho bác sĩ, chứ không tự ý bỏ thuốc.

Người bệnh tiểu đường tuýp 2 nên tập luyện như thế nào?

Việc tập luyện sẽ bắt đầu từ những bước nhỏ, bắt đầu tập từ 20 phút 1 ngày, xong 30 phút rồi 40 phút 1 ngày, rồi tăng dần lên 60 phút 1 ngày.  Tất cả các bài tập này đều rất tốt nhưng không nên tập quá 1 tiếng 1 ngày, để cho cơ thể có thể thích nghi và không gây quá mệt mỏi. Nếu tập với cường độ nhanh, nhiều trong thời gian kéo dài có nguy cơ bị hạ đường huyết là rất cao. Bệnh nhân nên đi bộ, tập luyện, tập erobic, tập dưỡng sinh…

Người bệnh tiểu đường tuýp 2 nên tập luyện như thế nào

Thưa bác sĩ, có phải là ngay khi phát hiện bệnh đái tháo đường tuýp 2 là phải ăn kiêng rất nghiêm ngặt không ạ?

Một số quan điểm như là: Bây giờ tôi bị đái tháo đường rồi thì bánh ngọt tôi không bao giờ ăn, hoặc các loại quả ngọt như quả vải, quả nhãn là tôi không bao giờ ăn… những quan điểm này là không đúng.

Quan điểm mới là chúng ta vẫn có thể ăn tất cả các loại thức ăn, nhưng nên ăn theo cách hợp lý. Ví dụ như 3 bữa cơm vẫn ăn như bình thường. Sau bữa ăn không nên tráng miệng ngay bằng các thực phẩm, hoa quả vì sẽ làm tăng đường huyết. Hoa quả có thể ăn giữa bữa sáng và trưa. Nếu tầm 7 giờ ăn sáng thì đến 9h, 10h ăn hoa quả, một ít bánh kẹo (không quá nhiều), vài miếng bánh dành cho người tiểu đường hoặc bánh ngọt và đến bữa trưa ăn bình thường.

Bác sĩ có thể nêu một vài thuốc mới trong việc điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 2 hiện nay?

Cho đến thời điểm hiện tại chưa có thuốc nào có thể chữa khỏi bệnh đái tháo đường tuýp 2 hoàn toàn. Tuy nhiên một số nghiên cứu đã đưa ra các thuốc mới, ví dụ nhóm đào thải đường qua nước tiểu SGLT2 giúp chuyển đường ra khỏi cơ thể qua đường nước tiểu.

Bệnh nhân bị đái tháo đường ở Việt Nam cũng an tâm, vì hiện tại những thuốc gì hiện đại trên thế giới có thì Việt Nam cũng có, chỉ sau một thời gian rất ngắn thôi đã có rồi.

Thưa bác sĩ, phần lớn thời gian điều trị bệnh đái tháo đường đều diễn ra tại nhà. Vậy bác sĩ có lời khuyên gì để giúp người bệnh tiểu đường tuýp 2 bớt hoang mang, lo lắng về căn bệnh này.

Thời gian điều trị ở nhà, bệnh nhân tập luyện, ăn uống chiếm một quãng thời gian vô cùng nhiều so với thời gian đi gặp bác sĩ. Chính vì thế chúng tôi luôn khuyên bệnh nhân là hãy trở thành bác sĩ của chính mình. Để làm bác sĩ của chính mình các bác cần có kiến thức.

Vì vậy trong các buổi học online hoặc các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Đái tháo đường rất mong bệnh nhân đến học tập để biết thêm kiến thức cho mình.

Về nhà bệnh nhân phải dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ: đúng giờ, đúng liều lượng. Thời điểm nào là thời điểm tiêm, thuốc nào uống trước ăn, thuốc nào uống sau ăn bệnh nhân cần nắm rõ và tuân thủ.

Bệnh nhân cũng phải biết được chỉ số đường huyết của mình như chính số tuổi của mình và nên có máy đo (thử) đường huyết cá nhân ở nhà.

Rất cảm ơn Ths.Bs Thúy Hằng đã nhận lời tham gia phỏng vấn và giải đáp cho người bệnh tiểu đường tuýp 2 rất nhiều kiến thức bổ ích để điều trị căn bệnh này.

Hy vọng bài phỏng vấn  trên đây đã giúp bạn đọc có thêm nhiều thông tin về cách chữa bệnh tiểu đường tuýp 2, để từ đó không còn bỡ ngỡ, khó khăn khi điều trị bệnh.

Thực hiện phỏng vấn: Kim Chi