Khi mới mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, người bệnh thường rất lo lắng về biến chứng của bệnh. Bởi vì biến chứng này có thể ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể như tim, mắt, thận, thần kinh.
Trả lời:

Khi mới mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, người bệnh thường rất lo lắng về biến chứng của bệnh. Bởi vì biến chứng này có thể ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể như tim, mắt, thận, thần kinh.

Vậy làm thế nào để phát hiện sớm và điều trị biến chứng của bệnh đái tháo đường? Chúng tôi đã có buổi phỏng vấn cùng Ths.Bs Nguyễn Thị Thúy Hằng - Trưởng khoa khám bệnh, bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội. Là một chuyên gia về bệnh đái tháo đường, lại có nhiều năm đồng hành cùng người bệnh, bác sĩ sẽ giải đáp những thắc mắc và hướng dẫn dấu hiệu nhận biết, cách điều trị các biến chứng của tiểu đường tuýp 2.

Bác sĩ Thúy Hằng trong buổi phỏng vấn cùng MC Kim Chi

Bác sĩ Thúy Hằng trong buổi phỏng vấn cùng MC Kim Chi

Xin chào bác sĩ, bác sĩ có thể kể tên các biến chứng của bệnh đái tháo đường tuýp 2?

Đái tháo đường tuýp 2 có những biến chứng cấp tính, chẳng hạn biến chứng nhiễm toan, tăng áp lực thẩm thấu.

Các biến chứng mạn tính bao gồm: biến chứng thần kinh, biến chứng mạch máu.

Biến chứng mạch máu phân ra làm 2 loại, biến chứng mạch máu nhỏ như biến chứng thận, mắt; biến chứng mạch máu lớn là những biến chứng về tim mạch, ví dụ như tắc mạch vành, tắc mạch chi, tắc mạch não hoặc cắt cụt chi không phải do tai nạn.

Trong số các biến chứng kể trên, đâu là biến chứng nguy hiểm nhất và phổ biến nhất?

Biến chứng nguy hiểm nhất ở người bệnh đó là biến chứng về tim mạch. Đây là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất ở người bệnh đái tháo đường. Năm 2017 trên lãnh thổ của đất nước ta có 29.000 ngàn người tử vong do đái tháo đường chủ yếu do bệnh tim mạch.

Phải đến 80% là biến chứng về tim mạch, sau đó là biến chứng thận chiếm 30 - 35%. Biến chứng thần kinh chiếm 40 - 50%. Biến chứng mắt chiếm 40%.

Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho biết mức độ nguy hiểm của bệnh đái tháo đường tuýp 2 ở người trẻ tuổi và lớn tuổi khác nhau như thế nào?

Biến chứng ở người già thường nặng hơn, gây ra hậu quả nặng nề hơn so với người trẻ do các bệnh đồng mắc ở người già. Ở người trẻ có nguy hiểm không, câu trả lời là có, bởi những triệu chứng ở người trẻ rất rầm rộ, đôi khi người bệnh vào viện với các biến chứng cấp tính, ví dụ như nhiễm khuẩn, nhiễm toan, hoặc tăng áp lực thẩm thấu. Ở người trẻ, sau khi điều trị các biến chứng cấp tính thì khả năng phục hồi nhanh hơn nhiều và không có các bệnh đồng mắc nên các biến chứng về tim, mắt, thận cũng không nhiều.

Bác sĩ có thể cho biết những dấu hiệu/triệu chứng nào để người bệnh phát hiện được những biến chứng này ạ?

múc độ nguy hiểm tiểu đường tuýp 2

Triệu chứng về biến chứng thần kinh thường gặp là bệnh nhân có cảm giác tê bì chân tay; rối loạn cảm giác như trời rất nóng nhưng bệnh nhân cảm thấy lúc nào cũng lạnh, có thể đeo cả tất và gang tay. Hoặc bệnh nhân bị tê bì đến độ dẫm vào kim, đâm thủng ra nhưng không biết đau. Các biến chứng thần kinh tiếp theo như bệnh nhân đã ăn bữa này rồi, nhưng bữa sau không muốn ăn, do biến chứng thần kinh gây ảnh hưởng nhu động ruột, thức ăn không di chuyển, đầy trong dạ dày. Một số bệnh nhân bị táo bón lâu dài, hoặc dù không làm gì nhưng nhịp tim nhanh khi nghỉ.

Biến chứng về mắt khiến bệnh nhân nhìn mờ, nhòe, nhìn cảnh không rõ ràng.

Biến chứng thận khiến cân nặng tăng bất thường, cân hôm nay được 50 cân nhưng hôm sau 50.5 cân, ngày hôm sau nữa 52 cân, đi tiểu không nhiều, nề mắt cá hoặc mi mắt, đó là dấu hiệu của biến chứng thận.

Bệnh nhân thấy đau ngực, gắng sức một chút như leo cầu thang một chút đã mệt hoặc đau ngực, coi chừng đó là biến chứng mạch máu, bệnh tim thiếu máu cục bộ, cơn co thắt mạch vành.

Các biến chứng khác có thể khiến bệnh nhân bị đau đầu một bên, hai bên, những cơn chóng mặt bất thường, có thể đang đứng nhưng bị chóng mặt không đi được mà cần ngồi xuống. Đó là dấu hiệu thiếu máu não thoáng qua, người bệnh cần cảnh giác.

Thưa bác sĩ, bệnh đái tháo đường có ảnh hưởng như thế nào tới chức năng gan, thận? Làm cách nào để nhận biết sớm biến chứng thận do đái tháo đường?

Các thuốc người bệnh đái tháo đường uống đều chuyển hóa qua gan và thận. Tuy nhiên, các thuốc mà người bệnh uống thường chuyển hóa qua gan, do đó chức năng gan đôi khi cũng bị quá tải do việc dùng thuốc. Với những bệnh nhân khi được làm xét nghiệm, nếu men gan trên 100 sẽ có chỉ định hạn chế dùng thuốc uống, khi đó có thể chuyển qua dạng tiêm.

Về thận thì sao? Chức năng thận cũng như vậy, đại đa số thuốc cũng ảnh hưởng đến chức năng của thận. Và khi chỉ số mức lọc cầu thận dưới 30 thì không có chỉ định dùng thuốc uống nữa, đa phần phải chuyển sang thuốc tiêm.

Khi bị biến chứng thận đái tháo đường, cách thức và mục tiêu điều trị có thay đổi gì thưa bác sĩ?

Khi bị biến chứng thận đái tháo đường, cách thức và mục tiêu điều trị

Khi đã bị biến chứng thận do đái tháo đường, mục đích điều trị là để tổn thương thận sẽ dừng ở đó trong một thời gian dài hoặc giảm đi thì càng tốt. Lúc đó mục tiêu điều trị cần phải sát sao hơn nữa.

Đầu tiên là phải kiểm soát đường huyết trong mức tối ưu nhất đối với từng cá thể. Ví dụ đường huyết của bạn phải dưới 7 mmol/l ở người trẻ mà kỳ vọng sống còn dài, hoặc những bệnh đồng mắc kèm theo ví dụ như huyết áp phải giảm xuống 130/80mmHg, rối loạn mỡ máu, tăng acid uric trong máu bạn cũng phải kiểm soát tốt.

Thời điểm đó việc kiểm soát càng kỹ càng bao nhiêu, càng chặt chẽ bao nhiêu và tối ưu hóa với từng cá thể sẽ hạn chế tiến triển từ giai đoạn microalbumin niệu đến giai đoạn albumin niệu đại thể.

Thưa bác sĩ, trong số các biến chứng đái tháo đường thì biến chứng bàn chân cũng khá nguy hiểm, vì có thể khiến người bệnh phải đoạn chi. Vậy bác sĩ có thể cho biết làm thế nào để phát hiện và điều trị biến chứng này?

Để phát hiện sớm biến chứng bàn chân, đầu tiên bệnh nhân phải biết những biến chứng đến từ rất sớm, đó là những vết chai chân, cảm giác tê bì, sự thay đổi về hình dáng của các móng, móng quặp hơn bình thường, teo cơ ở các vùng hõm chân.

Chính vì thế, việc đầu tiên để ngăn ngừa biến chứng bàn chân này, bệnh nhân phải chọn những đôi giày rộng hơn so với bình thường. Khi chọn giày dép nên đi vào buổi chiều, vì buổi chiều bàn chân thường to hơn buổi sáng, để tránh phải đi một đôi giày quá chật. Bệnh nhân cũng cần hạn chế đi giày mới liên tục trong 1 ngày, ví dụ cần đi nghỉ mát chẳng hạn, bởi đôi giày mới sẽ rất chật, gây tì đè, gây chai chân.

Tiếp theo mỗi khi đi giày, bệnh nhân phải xem kỹ ở trong giày, bỏ hết các vật nhọn, sắc nếu có  ở trong đó ra. Bên cạnh đó, bệnh nhân phải cắt móng chân đúng cách, đừng cắt sâu quá, vì quá sâu có thể gây chảy máu, rất dễ bị nhiễm khuẩn. Tiếp nữa phải biết cách chăm sóc các kẽ bàn chân, đừng để kẽ bàn chân luôn bị ẩm ướt, sau khi rửa chân phải lau chân thật khô rồi mới đi giày, đặc biệt giữa kẽ ngón thứ 4 và ngón 5 rất dễ bị nấm.

Những vết chai chân, bệnh nhân không được tự ý cắt mà nên đến bác sĩ chuyên khoa người ta sẽ thoa kem và sẽ giúp các bác cắt chai chân này được tốt hơn . Đó là những điều cơ bản bệnh nhân phải chăm sóc bàn chân như vậy. Bên cạnh đó khi trời quá lạnh, bệnh nhân nên thoa 1 lớp kem mỏng ở trong bàn chân để giữ ẩm.

Vậy thưa bác sĩ, nếu có các vết loét ở bàn chân người bệnh nên điều trị và chăm sóc như thế nào?

vết loét đó thể hiện một vùng bàn chân của bệnh nhân đã bị nuôi dưỡng kém

Khi có các vết loét ở bàn chân, tôi khuyên bệnh nhân nên đến bệnh viện, bởi vết loét đó thể hiện một vùng bàn chân của bệnh nhân đã bị nuôi dưỡng kém. Việc nuôi dưỡng kém này không phải là nguyên nhân mà đó là hậu quả do nguyên nhân sâu xa là 1 cái mạch nào ở trên bàn chân đã bị hẹp tắc và giảm cung cấp máu cho vùng đó. Khi đến bệnh viện, làm thêm các xét nghiệm khác, ví dụ như siêu âm để tìm xem có bị hẹp tắc gì không. Nếu có biến chứng loét ở các cái kẽ bàn chân thì phải đến để khám và để được dùng thuốc kịp thời.

Biến chứng đái tháo đường rất nguy hiểm, bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh cách phòng ngừa biến chứng hiệu quả nhất?

Cách phòng tránh, đầu tiên người bệnh cần dùng thuốc để chỉ số đường huyết được tối ưu nhất với độ tuổi, giới tính. Bệnh nhân nên biết là khi mà giảm được 1% HbA1c, có thể giảm được 14% rủi ro các biến cố về tử vong do bệnh tim mạch; 12% các bệnh thận; 20% các bệnh về mắt.

Chính vì thế việc giảm HbA1c ở mức tối ưu là vô cùng cần thiết. Để giảm được chỉ số HbA1c còn phụ thuộc vào chế độ ăn, tập luyện và dùng thuốc của bệnh nhân phải đúng - đủ - liên tục và cố gắng duy trì. Rất mong bệnh nhân có thể đồng hành vui sống với bệnh tiểu đường, duy trì tâm thế tốt nhất, đạt được chỉ số đường huyết tốt nhất cho mình để mà giảm tải được các biến chứng.

Rất cảm ơn Ths.Bs Thúy Hằng đã nhận lời tham gia phỏng vấn và giải đáp cho người bệnh tiểu đường tuýp 2 rất nhiều kiến thức bổ ích về những biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này để người bệnh biết cách phòng tránh.

Thực hiện phỏng vấn: Kim Chi