Có rất nhiều công việc cần thực hiện, những lưu ý cần ghi nhớ nếu bạn là người chăm sóc người bệnh tiểu đường trong ngày ốm. Nếu bạn làm tốt công việc của mình, không chỉ khiến cho bản thân người bệnh nhanh chóng phục hồi, mà còn khiến họ cảm thấy được quan tâm và chia sẻ. Với những “bí kíp” không thể nào quên trong bài viết này, hy vọng rằng việc chăm sóc người tiểu đường trong lúc ốm bệnh không thể làm khó được bạn.
Người bệnh tiểu đường cần được chăm sóc đặc biệt trong những ngày ốm bệnh
Rủi ro có thể xảy ra khi người tiểu đường bị ốm
Người bệnh tiểu đường khi bị ốm, cơ thể sẽ tiết ra một số chất bất thường được gọi là các “hormon căng thẳng”. Những chất này kích thích gan tạo ra nhiều glucose để đưa vào máu hơn, do đó mà đường huyết thường tăng cao hơn. Tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện biến chứng cấp tính do tăng đường huyết như nhiễm toan ceton hay tăng áp lực thẩm thấu. Các biến chứng này đều rất nguy hiểm và đều có thể đe dọa trực tiếp tính mạng của người bệnh nếu không được cấp cứu kịp thời.
Chế độ ăn uống của người bệnh tiểu đường cũng dễ bị thay đổi khi ốm. Nhiều người người do mệt mỏi hoặc nôn mửa nên việc ăn uống bị giảm sút nghiêm trọng. Mặt khác người bệnh cũng đang dùng thuốc điều trị tiểu đường nên nguy cơ bị hạ đường huyết trong trường hợp này là rất cao.
Bệnh cạnh đó, một số loại thuốc điều trị cảm cúm, nhiễm khuẩn cũng có thể tương tác với thuốc điều trị tiểu đường làm ảnh hưởng tới hiệu quả kiểm soát đường huyết.
Những việc cần làm khi chăm sóc người bệnh tiểu đường trong ngày ốm
Trong nhà của người bệnh tiểu đường nên chuẩn bị sẵn những vật dụng sau đây. Chúng sẽ vô cùng hữu ích cho việc theo dõi sức khỏe của người bệnh:
- Máy đo đường huyết, nhiệt kế, giấy kiểm tra nồng độ ceton trong nước tiểu.
- Số điện thoại của bác sĩ, người thân trong gia đình có thể nhờ được sự giúp đỡ khi cần thiết.
- Các loại thuốc không cần kê đơn thông dụng để có thể sử dụng khi bị ốm như thuốc giảm đau hạ sốt paracetamol, thuốc xịt mũi… Tuy nhiên, nên tránh thuốc cảm cúm có thành phần gây co mạch, vì có thể làm tăng nhịp tim và đường huyết.
- Một cuốn sổ ghi chép những loại thực phẩm mà bản thân có thể sử dụng nếu bị ốm.
Người bệnh tiểu đường nên đo đường huyết thường xuyên trong ngày ốm bệnh
Khi những trận ốm xảy ra, người bệnh sẽ cần:
- Kiểm tra đường huyết và thân nhiệt thường xuyên. Nếu đường trong máu tăng cao trên 14mmol/l (250mg/dl) trong 24 giờ mặc dù đã uống thuốc đều đặn hoặc khi đường huyết thấp hơn 3.4mmol/l (61mg/dl) thì cần đến các cơ sở y tế để xử trí càng sớm càng tốt.
Người bệnh cũng nên sớm nhờ tới sự trợ giúp y tế nếu thử giấy kiểm tra xeton mà phát hiện xeton trong nước tiểu hoặc nhận thấy các dấu hiệu của nhiễm toan xeton bao gồm đau bụng, mạch nhanh, buồn nôn, nôn mửa, thở nông, buồn ngủ, hơi thở có mùi lạ giống như chất tẩy sơn móng tay hoặc mùi hoa quả lên men.
Lưu ý về chế độ ăn đối với người tiểu đường trong những ngày ốm
Trong ngày ốm, người bệnh tiểu đường nên cố gắng duy trì một chế độ ăn càng giống như bình thường càng tốt. Nếu việc ăn uống giảm sút sẽ rất dễ làm xuất hiện tình trạng hạ đường huyết.
Các món ăn có thể say nhỏ hoặc thêm nước nấu thành cháo để người bệnh dễ dùng khi ốm.
Bổ sung đầy đủ nước cũng là một việc rất cần thiết bởi vì nếu bị mất nước thì thể trạng người bệnh sẽ rất lâu phục đồi đồng thời còn có thể dẫn tới những tình trạng rất nguy hiểm có khả năng đe dọa đến tính mạng. Mất nước thường xảy ra ở mức độ nặng nếu người bệnh khi bị ốm có kèm theo sốt cao, nôn mửa, tiêu chảy. Lưu ý mỗi ngày người bệnh nên uống khoảng 2-2.5 lít nước. Nên uống các loại nước đun sôi để nguội, nước lọc không đường hoặc bù điện giải bằng oresol.
Sử dụng thuốc cho người bệnh tiểu đường trong những ngày ốm cần chú ý gì?
Người bệnh tiểu đường được khuyến cáo vẫn nên sử dụng thuốc điều trị tiểu đường một cách bình thường khi ốm. Tuy nhiên, với các loại thuốc mới sử dụng để điều trị khi ốm thì cần có một số lưu ý nhất định:
- Hạn chế việc sử dụng các loại thuốc siro bởi vì chúng thường chứa lượng đường rất lớn.
- Nếu không uống được thuốc (cứ uống thuốc vào lại nôn mửa)thì cần tới các cơ sở y tế để điều trị.
- Người bệnh vẫn có thể sử dụng một số loại thuốc thuộc nhóm không cần kê đơn để tự điều trị tại nhà dưới sự tư vấn của các bác sĩ nhưng cần theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu của cơ thể sau khi sử dụng bởi vì một số loại thuốc điều trị cảm cúm, nhiễm khuẩn có thể làm tăng hoặc giảm hiệu quả của thuốc điều trị tiểu đường.
Lưu ý để phòng ngừa bị ốm cho người bệnh tiểu đường
Để phòng ngừa bị ốm người mắc bệnh tiểu đường nên thực hiện theo những lời khuyên dưới đây:
- Thực hiện các hoạt động thể chất với cường độ vừa phải một cách đều đặn, nghỉ ngơi điều độ, đi ngủ đúng giờ, ăn uống khoa học để kiểm soát đường huyết tốt hơn và nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
- Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm cúm, nhiễm khuẩn chẳng hạn như những người khác cũng đang bị ốm
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng
- Chú ý giữ ấm cơ thể trong những ngày thời tiết lạnh
- Tiêm vắc xin phòng cúm hằng năm và kiểm tra sức khỏe định kỳ
Để tránh hoàn toàn việc bị ốm đối với bệnh tiểu đường là khó có thể thực hiện. Tuy nhiên nếu phòng ngừa tích cực người bệnh có thể giảm đi đáng kể số lần bị ốm, từ đó giảm đi đáng kể nguy cơ gặp phải các biến chứng tiểu đường. Với những thông tin trong bài viết này, bạn đã có thể trở thành chuyên gia để chăm sóc cho người bệnh tiểu đường trong ngày ốm một cách tốt nhất.
Nguồn:
https://www.caring.com/articles/diabetic-sick-days
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/11646-sick-day-care-for-people-with-diabetes-