Trong khi bệnh tiểu đường đang gia tăng với tốc độ chóng mặt thì các phương pháp điều trị hiện tại vẫn còn bộc lộ nhiều nhược điểm. Nhằm khắc phục những nhược điểm đó, các nhà khoa học đã không ngừng nghiên cứu và tìm ra những phương pháp chữa bệnh tiểu đường mới nhất. Vậy liệu rằng đã có phương pháp nào trị khỏi bệnh hoàn toàn? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây!
Dưới đây là ba phương pháp chữa bệnh tiểu đường mới nhất tính đến năm 2020:
Phương pháp chữa tiểu đường bằng tế bào gốc - hiệu quả với cả tiểu đường tuýp 1, tuýp 2
Tế bào gốc là những tế bào sinh học non, có khả năng biệt hóa mạnh mẽ thành các tế bào khác. Ở người, tế bào gốc thường được lấy từ các nguồn như tủy xương, mô mỡ, máu. Sau đó, chúng được nuôi dưỡng trong phòng thí nghiệm ở môi trường thích hợp, tùy thuộc vào mục đích muốn biệt hóa để thay thế bộ phận nào trong cơ thể.
Tổn thương tế bào beta của tuyến tụy là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh tiểu đường. Ở tiểu đường tuýp 1, tại thời điểm được chẩn đoán bệnh, các tế bào tụy hầu như đã bị phá hủy hoàn toàn. Còn ở người tiểu đường tuýp 2, tỷ lệ này là 50%.
Các tế bào gốc sau khi biệt hóa trong ống nghiệm sẽ được đưa vào cơ thể để thay thế cho các tế bào tụy đã bị tổn thương, đồng thời bảo vệ các tế bào lành còn lại. Điều này đảm bảo cho chức năng tiết insulin của tụy được duy trì.
Phương pháp này đã được chứng minh là có hiệu quả đối với cả tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2, mang đến tác dụng hạ đường huyết rõ rệt. Điều trị tiểu đường bằng tế bào gốc cho phép giảm liều thuốc tiêm insulin từ 50-70%.
Tại nước ta, điều trị tiểu đường bằng tế bào gốc mới ở trong giai đoạn thử nghiệm tại một số bệnh viện, trên các bệnh nhân chọn lọc. Phương pháp này có chi phí điều trị rất lớn nhưng cũng không giúp khỏi hoàn toàn bệnh tiểu đường.
Phương pháp tế bào gốc giúp giảm liều tiêm insulin ở người tiểu đường
Phương pháp sử dụng tụy nhân tạo - giúp kiểm soát đường huyết thay cho thuốc
Tụy nhân tạo đúng như tên gọi của nó, là một thiết bị công nghệ hiện đại mô phỏng hoạt động kiểm soát đường huyết của tuyến tụy trong cơ thể. Thiết bị là sự kết hợp đồng thời của hai tính năng là đo đường huyết liên tục và tiêm một lượng insulin tương ứng với đường huyết đo được. Điều này giúp đường huyết luôn duy trì ổn định trong ngưỡng an toàn, hạn chế tình trạng hạ đường huyết quá mức thường gặp ở người tiểu đường sử dụng thuốc tiêm insulin.
Hiện nay, liệu pháp sử dụng tụy nhân tạo mới được áp dụng trên người tiểu đường tuýp 1. Trong tương lai gần, giải pháp này cũng sẽ được mở rộng đến các đối tượng là người tiểu đường tuýp 2 cần kiểm soát đường huyết bằng insulin. Phương pháp này đem lại sự tiện dụng cho người bệnh, giảm tỷ lệ quên thuốc và bỏ thuốc. Tuy nhiên, đây cũng không phải là cách giúp chữa khỏi căn bệnh tiểu đường.
Sử dụng tụy nhân tạo giúp đường huyết luôn ổn định trong ngưỡng an toàn
Phương pháp miễn dịch - hy vọng mới cho tiểu đường tuýp 1
Trong bệnh tiểu đường tuýp 1, các tế bào tuyến tụy bị phá hủy bởi chính hệ thống miễn dịch của cơ thể. Do đó, một ý tưởng mới trong điều trị tiểu đường tuýp 1 đó là ngăn chặn sớm quá trình phá hủy này.
Bản chất của phương pháp này sử dụng các peptide có khả năng tiêu diệt các tế bào tự miễn tấn công tuyến tụy của cơ thể. Nếu quá trình phá hủy của hệ miễn dịch được ngăn chặn, các tế bào tụy chưa bị tổn thương sẽ được bảo vệ và vẫn tiếp tục sản xuất insulin. Nhờ đó, người bệnh sẽ không bắt buộc phải tiêm insulin để kiểm soát đường huyết.
Phương pháp miễn dịch này đã được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên 41 bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 1 tại Bỉ và được đánh giá cao về tính an toàn và hiệu quả. Điều này thúc đẩy các thử nghiệm lâm sàng tiếp theo trên số lượng người bệnh lớn hơn trước khi được thương mại hóa trên thị trường.
Phương pháp miễn dịch được đánh giá cao về an toàn và hiệu quả trong điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1
Với sự ra đời của các phương pháp mới chữa bệnh tiểu đường mới nhất, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào một tương lai không xa, căn bệnh tiểu đường sẽ không còn là nỗi ám ảnh đeo đẳng suốt đời.
Tài liệu tham khảo: labiotech1, labiotech2.