Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho người tiểu đường tuýp 2 cần đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, nhưng không được làm tăng nhanh đường huyết. Đây là điều không dễ dàng cho người mới phát hiện bệnh.
Trả lời:

Hỏi: Tôi đi khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ chẩn đoán tiểu đường tuýp 2 dù trước đó tôi không hề có biểu hiện nào bất thường. Tôi được biết, chế độ ăn tốt đóng góp phần quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết. Xin chuyên gia tư vấn chế độ ăn cho người tiểu đường tuýp 2?

Chuyên gia trả lời:

Bạn cần biết, chế độ ăn với người bệnh tiểu đường tuýp 2 quan trọng như việc dùng thuốc điều trị. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng chế độ ăn của bạn sẽ bị xáo trộn hoàn toàn. Bạn vẫn có thể ăn thực phẩm mà mình yêu thích, nhưng, cần lưu ý một số nguyên tắc sau để đảm bảo cân đối chất dinh dưỡng mà không làm đường máu sau ăn tăng cao.

8 nguyên tắc xây dựng thực đơn cho người tiểu đường tuýp 2

  1. Không bỏ bữa, cũng không nên ăn quá no: Bỏ bữa ăn có thể gây hạ đường huyết, ăn quá nó lại khiến đường máu tăng cao. Vì vậy, bạn nên chia bữa ăn thành 4 - 6 lần/ngày, ngoài 3 bữa ăn chính là sáng, trưa và tối, giữa các bữa nên ăn nhẹ một ít hoa quả, một cốc sữa dành cho người tiểu đường, một củ khoai lang cỡ nhỏ...
  2. Cắt giảm thịt đỏ (thịt lợn, thịt bò...), tránh ăn phủ nội tạng động vật vì chúng có chứa nhiều chất đạm và chất béo, làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Nên ăn nhiều cá, đặc biệt là cá biển vì chúng có chứa nhiều chất béo tốt cho tim mạch.
  3. Không nên dùng mỡ động vật khi chế biến món ăn, nên lựa dầu có nguồn gốc thực vật (dầu oliu, dầu hướng dương, dầu hạt cải...). Nhưng khi chiên xào ở nhiệt độ cao, bạn nên dùng mỡ động vật do chúng không bị phân hủy thành chất độc hại. Với dầu thực vật, bạn chỉ nên ăn sống (trộn cùng rau, củ, quả trong món salat, hoặc chiên xào nhẹ hoặc cho vào canh sau khi đã tắt bếp...)
  4. Giảm lượng cholesterol (chất béo) bằng cách hạn chế da, phủ tạng động vật, óc bò, óc lợn, lòng đỏ trứng, gạch cua, tôm...
  5. Hạn chế tối đa đường ngọt, bánh kẹo ngọt, các loại nước ngọt, nước có ga, nước ép hoặc siro trái cây... bởi chúng làm tăng nhanh đường huyết.
  6. Nên ăn gạo lứt (gạo nguyên cám) thay cho gạo trắng. Do gạo nguyên cám có chứa nhiều chất xơ hòa tan, giúp làm chậm hấp thu đường, nên đường được giải phóng từ từ sau ăn, duy trì được giá trị ổn định. Ngược lại, gạo trắng đã loại bỏ đi lớp cám, nên khi ăn đường máu tăng nhanh hơn.
  7. Ăn nhiều rau lá xanh, đặc biệt là rau nhớt vì có nhiều chất xơ hòa tan như rau tầm tơi, cải bó xôi, bông cải xanh, rau đay, đậu bắp, rau khoai lang... Mỗi ngày nên ăn từ 300 - 500 g và ăn thêm hoa quả ít đường như bưởi, cam, lê, đào, ổi, thanh long... (khoảng 100 - 150 gam/mỗi lần ăn, ngày ăn 2 - 3 lần ở giữa các bữa ăn).
  8. Bổ sung thực phẩm có nhiều chất chống oxy hóa để giảm thiểu nguy cơ biến chứng tiểu đường như: giá đỗ, dầu gấc, cà rốt, bí đỏ, gấc, rau ngót, rau muống, rau dền, cải xoong... các loại hoa củ quả có màu cam, vàng, đỏ...

Nếu bạn đang thừa cân hoặc béo phì, chế độ ăn cần nghiêm ngặt hơn để giảm cân. Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo nên giảm 5 - 10 % trọng lượng cơ thể. Nhưng tuyệt đối không được bỏ bữa hoặc áp dụng các biện pháp giảm cân nhanh, vì có thể gây biến chứng hạ đường huyết rất nguy hiểm.

Ngoài chế độ ăn cho người tiểu đường tuýp 2, tập luyện thường xuyên cũng là yếu tố quan trọng có tác dụng tích cực trong việc làm giảm đường huyết. Ngoài ra, duy trì đều đặn hàng ngày còn giúp bạn giảm cân, tăng cường độ dẻo dai, sức chịu đựng của cơ thể, giảm nguy cơ bệnh tim mạch và xương khớp.

Biên tập viên sức khỏe Đông Tây

SĐT: 0243 775 9865 - 0283 977 8085

Nguồn:

https://www.sharecare.com/health/type-2-diabetes/article/controlling-blood-sugar