Mới mắc tiểu đường, bạn cần biết danh sách các thực phẩm nên ăn, nên kiêng sau đây để không bị tăng đường huyết, từ đó phòng ngừa những rủi ro do căn bệnh này gây ra.

Các bác sĩ dinh dưỡng khuyến cáo người tiểu đường không cần phải ăn theo một chế độ ăn quá nghiêm ngặt. Vì đôi khi vô tình điều này có thể khiến cơ thể mệt mỏi do thiếu dinh dưỡng, từ đó sẽ tạo điều kiện cho bệnh tiểu đường nặng lên. Một chế độ ăn khoa học, lành mạnh dành cho người tiểu đường vẫn cần đảm bảo đầy đủ các nhóm dinh dưỡng gồm tinh bột, chất đạm, chất béo.

Người bệnh tiểu đường nên đa dạng hóa bữa ăn, cũng như tạo thêm nhiều màu sắc cho món ăn của mình

Người bệnh tiểu đường nên đa dạng hóa bữa ăn, cũng như tạo thêm nhiều màu sắc cho món ăn của mình

Tinh bột, đường: Nhóm các thực phẩm nên ăn, nên tránh

Tinh bột và đường có nhiều trong ngũ cốc, gạo, bột mì, khoai, bánh ngọt… có ảnh hưởng trực tiếp tới đường máu.

Nhìn chung, người bệnh tiểu đường nên hạn chế chất bột, đường có trong gạo trắng, bánh mì trắng, ngũ cốc tinh chất đã loại bỏ cám… Nên bổ sung chất bột, đường từ gạo lứt, đậu đen, các loại ngũ cốc nguyên vỏ… bởi vì chúng có hàm lượng chất xơ hòa tan cao. Chất xơ hòa tan không chỉ giúp người bệnh có cảm giác no lâu hơn, giảm sự thèm ăn, mà chúng còn giúp làm chậm quá trình hấp thu đường từ ruột vào máu, nhờ đó không làm tăng nhanh đường huyết sau ăn.

Thực phẩm chứa chất béo tốt, xấu cho bệnh tiểu đường

Chất béo không trực tiếp ảnh hưởng tới đường huyết nhưng người bệnh tiểu đường nhưng nếu sử dụng không hợp lý có thể khiến tăng cao nguy cơ xuất hiện biến chứng, đặc biệt là biến chứng trên tim mạch.

Các chuyên gia khuyến cáo, nhìn chung người bệnh tiểu đường không nên sử dụng nhiều chất béo. Chỉ nên lựa chọn các thực phẩm chứa nhiều các “chất béo tốt” như: các loại hạt, quả bơ, dầu cá, dầu lạc, dầu đậu phộng, dầu oliu, dầu hướng dương… Hạn chế các loại “chất béo xấu” có trong mỡ động vật, bơ, sữa (chỉ nên dùng sữa tách béo)… và đặc biệt cần tránh các loại chất béo công nghiệp (chất béo trans) có trong các thực phẩm được chế biến, đóng gói sẵn.

Thực phẩm giàu chất đạm (protein) người tiểu đường nên ăn thường xuyên

Ăn cá biển 2 lần/tuần giúp bổ sung nguồn chất đạm và chất béo lành mạnh

Ăn cá biển 2 lần/tuần giúp bổ sung nguồn chất đạm và chất béo lành mạnh

Protein là một thành phần cấu tạo nên tế bào, giúp phát triển cơ bắp và sửa chữa các tổn thương của các mô, các cơ quan… Các thực phẩm có chứa nhiều chất đạm bao gồm thịt, cá, trứng, sữa, hạt đậu và đậu phụ, các loại quả hạch….

Cần chú ý rằng một số loại thực phẩm giàu protein nhưng cũng có nhiều chất béo xấu chẳng hạn như thịt đỏ (thịt bò, thịt chó, thị dê…) nên người bệnh cần hạn chế các loại thịt này. Các nguồn cung cấp protein nên được lấy các loại thịt trắng như cá, thịt gà bỏ phần da, các loại đậu đỗ, đậu phụ, lạc, sữa tách béo (không cho thêm đường khi uống)…

Người bệnh tiểu đường nên ăn trái cây gì?

Trái cây có chứa đường và đôi khi chúng có thể khiến đường máu tăng nhanh. Thế nhưng đằng sau đó, trái cây lại chứa đựng nguồn dinh dưỡng dồi dào cho cơ thể mà các thực phẩm khác không thể có. Ngoài việc cung cấp chất xơ, trái cây còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, các vitamin, khoáng chất có lợi. Sử dụng thích hợp chúng không chỉ giúp đường máu ổn định, tăng hiệu quả hoạt động của insulin, mà còn góp phần phòng ngừa biến chứng hữu hiệu.

Các loại trái cây bạn nên chọn bao gồm: các loại quả mọng (việt quất, dâu tây, mâm xôi), các loại hoa quả có múi (cam, bưởi), các loại quả táo, đào, mơ… Không nên ăn nhiều trái cây dễ làm tăng đường máu như xoài chín, mãng cầu, đu đủ chín, vải, nhãn, mít, sầu riêng, mía…

Lưu ý nên sử dụng trái cây tươi, còn nguyên quả thay vì trái cây khô hoặc xay sinh tố. Bởi trái cây khô thường có hàm lượng đường cao do đã được cô đặc, còn khi xay sinh tố sẽ làm mất bớt chất xơ, khiến đường máu tăng nhanh hơn.

Muối đối với người bệnh tiểu đường

Người bệnh tiểu đường cũng cần kiểm soát lượng muối sử dụng hàng ngày, đặc biệt là những người bệnh mắc kèm cao huyết áp để hạn chế nguy cơ biến chứng về tim mạch. Bộ Y tế Hoa Kỳ khuyến cáo người bệnh tiểu đường không nên ăn quá 6g muối (tương đương với một cà phê muối) mỗi ngày.

Ngoài các thực phẩm, nhóm chất kể trên các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người bệnh tiểu đường cũng cần hạn chế tối đa các loại thực phẩm chứa chất phụ gia, chất bảo quản, chất tạo ngọt, chất tạo màu nhân tạo… để tránh làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn chuyển hóa khiến cho đường huyết khó kiểm soát hơn.

Các món kho thường có nhiều muối người tiểu đường kèm theo huyết áp cao nên hạn chế

Các món kho thường có nhiều muối người tiểu đường kèm theo huyết áp cao nên hạn chế

Nguyên tắc chung trong chế độ ăn bệnh tiểu đường

Bên cạnh việc lựa chọn thực phẩm, người bệnh tiểu đường cũng cần lưu ý thêm một số nguyên tắc dưới đây để giúp bữa ăn thêm hoàn hảo hơn:

  • Luôn ăn vừa đủ với nhu cầu của cơ thể, tránh ăn quá nhiều. Bạn có thể ước lượng bằng cách cảm giác thấy bụng vừa đủ, ăn xong không bị quá no hoặc cảm thấy nặng nề.
  • Chia số lần ăn trong ngày thành 3 bữa chính kèm theo 2 - 3 bữa ăn phụ. Cách ăn này giúp bạn dàn trải số lượng thức ăn, đảm bảo bạn không bị đói để hạ đường huyết.
  • Phối hợp chặt chẽ giữa chế độ ăn uống, luyện tập và thuốc điều trị.
  • Luôn bắt đầu bữa ăn với đĩa rau xanh (hoặc củ quả) và nước canh trước. Mẹo khi ăn uống này sẽ giúp làm chậm hấp thu đường và chất béo từ các thực phẩm khác.

Tiểu đường ăn gì, kiêng gì để tốt nhất một phần phụ thuộc vào thực phẩm, nhưng phần lớn là cách phối hợp giữa các nhóm với nhau sao cho hợp lý, vừa phù hợp với sở thích cá nhân, không thiếu chất mà lại không tăng đường huyết. Đọc kỹ bài viết này, bạn sẽ trở thành “chuyên gia ẩm thực” của chính mình.

 

Nguồn tham khảo:

https://www.diabetes.co.uk/nutrition.html