Bạn được bác sĩ kê toa thuốc tiêm insulin nhưng chưa biết insulin bạn đang dùng thuộc loại nào, hiệu quả ra sao và có cần lưu ý gì khi sử dụng? Tất cả thông tin này sẽ được giải đáp trong bài viết sau.

Insulin là một loại hormon tự nhiên của cơ thể được sản xuất bởi tuyến tụy có vai trò quan trọng trong việc đưa đường từ máu vào trong tế bào để sử dụng từ đó giúp giảm đường trong máu. Rất nhiều người bệnh tiểu đường cần bổ sung insulin để kiểm soát đường huyết. Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), hiện nay insulin được chia thành 5 loại chính đó là insulin tác dụng nhanh, insulin tác dụng ngắn, insulin tác dụng trung bình, insulin tác dụng kéo dài và insulin hỗn hợp. Mỗi loại insulin lại có những đặc điểm riêng biệt về thời gian bắt đầu phát huy tác dụng, thời gian mà thuốc đạt hiệu quả cao nhất, giá thành…

Người bệnh tiểu đường nên hiểu rõ về các loại thuốc tiêm insulin mà họ đang dùng

Insulin tác dụng nhanh (Rapid-acting insulin)

Thuốc điển hình: Apidra (insulin glulisine), Humalog (insulin lispro), NovoLog (insulin aspart)

Gọi là Insulin tác dụng nhanh (Rapid-acting insulin) bởi vì loại insulin này có tác dụng  chỉ sau khoảng 5-15 phút, tuy nhiên hiệu quả của thuốc lại không kéo dài (khoảng 3 - 5 giờ). Bởi vì có tác dụng nhanh chóng nên thuốc thường được dùng ngay trước khi ăn. Loại insulin này hoạt động tương tự như insulin do cơ thể tiết ra.

Mới đây, insulin tác dụng nhanh đã được bào chế lần đầu tiên dưới dạng hít với tên biệt dược là Afrezza (insulin human) tuy nhiên hiện đã bị rút khỏi thị trường do có nhiều nguy cơ về tác dụng không mong muốn.

Insulin tác dụng ngắn (Short-acting insulin)

Thuốc điển hình: Humulin R, Novolin R (insulin regular)

Nhìn chung insulin tác dụng ngắn phát huy hiệu quả hiệu quả chậm hơn so với insulin tác dụng nhanh một chút (sau khoảng 30 phút từ khi bắt đầu tiêm), nhưng thời gian có tác dụng lại được kéo dài hơn (tác dụng kéo dài khoảng 6-8 giờ). Loại insulin này thường được sử dụng trước khi ăn khoảng 30 phút để thời gian phát huy tác dụng sẽ trùng vào thời điểm bắt đầu bữa ăn.

Insulin tác dụng trung gian (Intermediate-acting insulin)

Thuốc điển hình: Humulin N, Novolin N (insulin NPH)

Insulin tác dụng trung gian phát huy tác dụng chậm hơn so với insulin tác dụng ngắn (trong bình khoảng 60-90 phút), nhưng tác dụng cũng kéo dài hơn (trong khoảng 16-24 giờ). Insulin tác dụng trung gian được bổ sung thêm một số “chất đệm” khiến cho thuốc có màu trắng đục. Nếu để yên, ống thuốc một lúc thì chất đệm sẽ lắng xuống đáy.

Insulin tác dụng kéo dài (Long-acting insulin)

Thuốc điển hình: glargine ( Lantus), detemir ( Levemir ), glargine ( Toujeo ), degludec (Tresiba)

Insulin tác dụng kéo dài phải mất 1-4 giờ để bắt đầu phát huy hiệu quả, nhưng tác dụng lại được duy trì rất lâu, ít nhất là khoảng 24 giờ. Các thuốc thế hệ mới như degludec (Tresiba) tác dụng có thể kéo dài lên tới 42 giờ. Insulin tác dụng kéo dài chỉ cần sử dụng 1 ngày 1 lần hoặc 2 ngày một lần nên giảm thiểu được số lần phải tiêm thuốc. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, sử dụng loại insulin tác dụng càng kéo dài thì nguy cơ xuất hiện tác dụng không mong muốn là hạ đường huyết càng cao, đồng thời thì giá thuốc cũng cao hơn.

Insulin hỗn hợp (Pre-mixed)

Insulin hỗn hợp thường là sự kết hợp của insulin tác dụng nhanh hoặc insulin tác dụng ngắn với insulin tác dụng trung gian theo những tỷ lệ nhất định, ví dụ như:

  • 70% NPH and 30% regular (Humulin 70/30, Novolin 70/30).
  • 50% lispro protamine và 50% lispro (Humalog Mix 50/50).
  • 75% lispro protamine và 25% lispro (Humalog Mix 75/25).
  • 70% aspart protamine và 30% aspart (NovoLog Mix 70/30).
  • 50% NPH và 50% regular (Humulin 50/50)

Do có sự kết hợp giữa các loại insulin với thời gian phát huy tác dụng khác nhau mà thuốc vừa phát huy được tác dụng nhanh và duy trì được tác dụng khá lâu (khoảng 16-24 giờ). Chính vì vậy mà loại insulin này hiện nay được sử dụng khá nhiều.

Những điều bạn cần biết khi sử dụng insulin

Trong thời gian sử dụng insulin người bệnh nên kiểm tra đường huyết một cách thường xuyên

Trong thời gian sử dụng insulin người bệnh nên kiểm tra đường huyết một cách thường xuyên

Có thể nhận thấy rằng hiện nay nhiều loại insulin mà mỗi loại lại có những đặc điểm riêng biệt. Tuy nhiên, cho dù là sử dụng loại insulin nào thì người bệnh cũng cần nhớ những nguyên tắc sau đây để có thể sử dụng thuốc một cách an toàn và hiệu quả nhất:

  • Sử dụng insulin đúng liều lượng và thời gian để tránh rủi ro và để đạt hiệu quả tốt nhất.
  • Tiêm insulin đúng kỹ thuật tại nhà nhằm hạn chế tối đa nguy cơ về tác dụng phụ.
  • Bảo quản insulin ở nhiệt độ từ 2-80C (ở ngăn mát của tủ lạnh), trong trường hợp không có tủ lạnh thì cần để ở nơi thoáng mát (nhiệt độ không quá 250C), tránh ánh sáng chiếu trực tiếp vào thuốc. Không sử dụng thuốc trong trường hợp đã bị đông đá hay đã bị đổi màu. Không sử dụng bơm kim tiêm insulin chung với người khác.
  • Không sử dụng rượu bia trong thời gian điều trị bằng insulin bởi vì sẽ làm tăng cao nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ hạ đường huyết
  • Khi quên sử dụng một liều, nếu thời điểm nhớ ra gần với thời gian phải sử dụng thuốc thì sử dụng ngay khi nhớ ra nhưng cũng cần thực hiện đúng thời gian ăn sau khi tiêm như đã được khuyến cáo, còn nếu khi nhớ ra gần với thời điểm sử dụng liều tiếp theo thì hãy bỏ qua liều đã quên.

Cách nhận biết và xử lý hạ đường huyết do tiêm quá liều insulin

Tất cả người bệnh sử dụng insulin đều có thể gặp phải tác dụng phụ hạ đường huyết với các triệu chứng như chóng mặt, choáng váng, không tỉnh táo, không còn sức lực, đói cồn cào, đau đầu, vã mồ hôi, run rẩy, hồi hộp, lo âu, cảm giác muốn ngất xỉu…

Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu của hạ đường huyết người bệnh cần sử dụng ngay các loại thực phẩm có chứa chất bột đường dễ kiếm nhất như kẹo ngọt, cơm nguội, bánh quy, nước ngọt, nước hoa quả ngọt, nước đường… và nằm nghỉ ngơi. Nhìn chung thì các triệu chứng thường được cải thiện sau vài phút kể từ khi người bệnh sử dụng các thực phẩm này, tuy nhiên nếu thấy các dấu hiệu vẫn không thay đổi hoặc có xu hướng nặng lên thì cần nhờ tới sự trợ giúp y tế càng sớm càng tốt.

 

Nguồn:

http://www.health.com/health/gallery/0,,20402402,00.html

https://www.healthline.com/health/diabetes/long-acting-insulin#types