Đối với người tiểu đường tuýp 2, đường huyết tăng cao trong thời gian dài có thể gây ra biến chứng trên nhiều cơ quan, bộ phận trong cơ thể như tổn thương thận, mắt, tim mạch, xương khớp, các biến chứng trên da, trên hệ tiêu hóa, rối loạn chức năng tình dục, các vấn đề về răng lợi… Cùng với đó là nguy cơ về các biến chứng cấp tính luôn song hành khi đường huyết có thể tăng quá cao hoặc giảm xuống quá thấp (do ảnh hưởng của thuốc điều trị, lối sống) cũng sẽ dẫn tới tình trạng khẩn cấp đe dọa trực tiếp tới tính mạng người bệnh nếu không được cấp cứu kịp thời.

Dưới đây là các biến chứng phổ biến nhất của bệnh tiểu đường tuýp 2 mà bạn nên biết.

Mức độ ảnh hưởng của bệnh tiểu đường tuýp 2 trên các cơ quan trong cơ thể

Mức độ ảnh hưởng của bệnh tiểu đường tuýp 2 trên các cơ quan trong cơ thể

Biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường tuýp 2

Người tiểu đường có nguy cơ phát triển các bệnh về tim mạch cao hơn rất nhiều so với những người bình thường và biến chứng này cũng là nguyên nhân dẫn tới tử vong hàng đầu ở người bệnh. Theo thống kê có tới 60% số ca tử vong ở người tiểu đường là do nhồi máu cơ tim và 25% số ca tử vong là do tai biến mạch máu não.

Các nhà khoa học nhận thấy rằng, bệnh tim mạch ở người tiểu đường có mối liên quan mật thiết đến tình trạng cao huyết áp, rối loạn lipid máu, thừa cân, béo phì - những vấn đề mà người bệnh tiểu đường thường gặp phải.

Vài thập niên trở lại đây, các nhà khoa học phát hiện ra rằng yếu tố viêm mạn tính, kết hợp stress oxy hóa tế bào vừa là “tiền đề” gây đề kháng insulin - nguyên nhân chính dẫn tới bệnh tiểu đường tuýp 2, đồng thời cũng là lý do khiến người tiểu đường khó khăn trong việc kiểm soát đường huyết, làm tăng nguy cơ xuất hiện biến chứng tim mạch. Chính vì vậy, để kiểm soát đường huyết, cần hướng tới việc làm giảm đề kháng insulin, đồng thời bổ sung thêm yếu tố chống viêm, giảm stress oxy hóa nhằm làm tăng cao hiệu quả trong điều trị và ngăn ngừa biến chứng ở người tiểu đường tuýp 2.

Biến chứng trên thận của tiểu đường tuýp 2

Biến chứng trên thận cũng là một biến chứng nghiêm trọng ở người bệnh tiểu đường. Khởi đầu là những tổn thương nhỏ ở một số tiểu cầu thận (bộ phận lọc của thận), sau đó mức độ tăng dần lên khiến protein bị rò rỉ vào nước tiểu và hệ quả cuối cùng là suy thận.

Bệnh thận tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu của tình trạng suy thận giai đoạn cuối. Biến chứng này xuất hiện ở khoảng 20 - 40% người bệnh tiểu đường.

Xét nghiệm tìm thấy albumin (một loại protein) trong nước tiểu là một dấu hiệu quan trọng cho thấy thận của người bệnh đã bị tổn thương. Cùng với đó, các dấu hiệu của suy thận như ngứa, sưng bàn chân và mắt cá chân, mệt mỏi, da nhợt nhạt… cũng có thể xuất hiện.

Biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường

Tê bì, châm chích tay chân là biến chứng tiểu đường

Tê bì, châm chích tay chân là biến chứng tiểu đường

Đây thường là biến chứng xuất hiện sớm nhất. Bệnh tiểu đường có thể làm giảm, rối loạn hoặc mất hoàn toàn chức năng thần kinh chi phối các cơ quan, bộ phận trong cơ thể. Có hai biến chứng thần kinh tiểu đường phổ biến nhất là:

Biến chứng thần kinh ngoại biên

Ảnh hưởng đến các dây thần kinh chi phối chân, bàn chân, các ngón chân, tay và cánh tay. Các triệu chứng thường bắt đầu xuất hiện ở đầu ngón tay, chân sau đó lan dần lên hai cánh tay, bàn chân bao gồm: Ngứa ran, tê buồn, cảm giác như lửa đốt, đau rát…vv. Nếu dây thần kinh bị tổn thương nghiêm trọng người bệnh có thể bị mất cảm giác ngay cả khi gặp phải chấn thương.

Biến chứng thần kinh thực vật

Ảnh hưởng đến hoạt động thần kinh chi phối quá trình:

  • Tiêu hóa: Táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa
  • Bàng quang: Tiểu tiện không kiểm soát
  • Hoạt động của tim: rối loạn nhịp tim, đặc biệt người bệnh tiểu đường có nguy cơ cao gặp phải “cơn nhồi máu cơ tim thầm lặng” nghĩa là nhồi máu cơ tim không xuất hiện cảm giác đau, do vậy người bệnh nên học cách nhận biết cơn nhồi máu cơ tim với các dấu hiệu khác như đột nhiên cảm thấy mệt mỏi, vã mồ hôi, thở dốc, buồn nôn, cảm giác bồn chồn…
  • Chức năng tình dục: rối loạn cương dương ở nam giới, khô âm đạo ở nữ giới

Biến chứng bàn chân của bệnh tiểu đường

Khoảng 15% người bệnh tiểu đường gặp phải các vấn đề về nghiêm trọng về bàn chân như các vết loét nhiễm trùng rất khó điều trị, hoại tử bàn chân… Theo thống kê, biến chứng bàn chân ở bệnh tiểu đường là nguyên nhân của hơn một nửa số ca cắt bỏ chi dưới ở Hoa Kỳ mỗi năm. Các vết loét bàn chân ở người bệnh tiểu đường thường bắt đầu từ những tổn thương nhỏ (do bệnh nhiễm trùng hoặc do va đập) sau đó lan rộng ra. Vì vậy, với người bệnh tiểu đường, học cách chăm sóc và bảo vệ bàn chân là rất quan trọng. Biến chứng bàn chân tiểu đường thường xuất hiện ở những người mắc bệnh lâu năm, người tiểu đường có béo phì hoặc hút thuốc.

Biến chứng mắt của bệnh tiểu đường

Biến chứng mắt của bệnh tiểu đường là nguyên nhân của hàng nghìn trường hợp mù loài mỗi năm tại Hoa Kỳ. Biến chứng trên mắt phổ biến nhất ở người bệnh tiểu đường là bệnh võng mạc tiểu đường nguyên nhân do tổn thương các mạch máu ở võng mạc. Ngoài ra, người bệnh tiểu đường cũng có nguy cơ cao xuất hiện bệnh đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp.

Các biến chứng liên quan tới chức năng tâm thần và trí nhớ

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng người bệnh tiểu đường có nguy cơ cao phát triển tình trạng sa sút trí tuệ do bệnh Alzheimer hoặc các vấn đề về mạch máu não gây ra, đồng thời họ cũng có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp đôi người bình thường. Các vấn đề về trí nhớ và chức năng tâm thần ở người bệnh tiểu đường có thể ngay cả ở độ tuổi dưới 55.

Biến chứng nhiễm trùng

Cứ 3 người mắc tiểu đường tuýp 2 thì có một người bị nhiễm trùng răng miệng

Cứ 3 người mắc tiểu đường tuýp 2 thì có một người bị nhiễm trùng răng miệng

Người bệnh tiểu đường thường dễ gặp phải một số bệnh lý do nhiễm khuẩn như nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiết niệu… Đặc biệt các loại nhiễm khuẩn này thường dai dẳng và khó điều trị hơn so với người bình thường rất nhiều.

Các biến chứng cấp tính ở người bệnh tiểu đường

Hạ đường huyết

Nguyên nhân có thể là do dùng thuốc điều trị quá liều, ăn uống kiêng khem quá mức, uống thuốc khi đói, vận động quá sức… Khi bị hạ đường huyết người bệnh thường có biểu hiện vã mồ hôi, rét run, đói cồn cào, tim đập loạn nhịp, cảm thấy người không còn sức lực, mất phương hướng, không tỉnh táo. Trường hợp nặng hơn có thể co giật, hôn mê.

Khi bị hạ đường huyết người bệnh cần nhanh chóng ăn nhẹ có thể là vài thìa cháo, một cốc nước có ngọt, một cái kẹo hay miếng bánh…

Tăng đường huyết quá mức

Đường huyết tăng cao quá mức có thể gây nên tình trạng hôn mê do nhiễm toan ceton. Người bệnh rất dễ tử vong nếu biến chứng này xảy ra.

Cả hai biến chứng cấp tính nêu trên đều đặc biệt nguy hiểm vì có thể đe dọa trực tiếp tới tính mạng của người bệnh và cần phải được cấp cứu kịp thời.

Các biến chứng khác ở người bệnh tiểu đường

Ngoài những biến chứng nêu trên thì bệnh tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác như:

  • Mất thính lực
  • Bệnh nha chu
  • Hội chứng ống cổ tay
  • Gan nhiễm mỡ
  • Ung thư tử cung, ung thư trực tràng
  • Bệnh về xương khớp, dày gân gấp khiến ngón tay, chân co duỗi, cử động khó khăn

Riêng đối với phụ nữ, bệnh tiểu đường còn làm tăng nguy cơ nhiễm nấm, đặc biệt là nấm đường sinh dục, bệnh xảy ra trong thai kỳ làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ. Cùng với đó, phụ nữ mắc tiểu đường còn có nguy cơ bị mãn kinh sớm.

Có thể thấy rằng, bệnh tiểu đường có thể làm tổn thương nhiều cơ quan, bộ phận trong cơ thể từ đó gây ra các biến chứng nguy hiểm đối với người bệnh. Vì vậy, việc kiểm soát được huyết tích cực bằng thuốc, lối sống khoa học cũng như các sản phẩm hỗ trợ là một yếu tố đặc biệt quan trọng giúp người bệnh có thể sống khỏe.

 

Nguồn:

http://www.nytimes.com/health/guides/disease/type-2-diabetes/complications.html

https://medlineplus.gov/diabetescomplications.html