Cũng giống như nhiều loại thuốc điều trị tiểu đường khác, insulin đòi hỏi phải được người bệnh sử dụng thường xuyên, đều đặn mới phát huy được hiệu quả điều trị, tuy nhiên loại thuốc này lại chỉ có thể sử dụng bằng đường tiêm. Chính vì vậy, biết cách tiêm thuốc điều trị tiểu đường insulin tại nhà là rất quan trọng đối với người bệnh tiểu đường cũng như những người thân khác trong gia đình. Dưới đây là những hướng dẫn cụ thể để tiêm insulin đúng kỹ thuật.

Chuẩn bị trước khi tiêm thuốc tiểu đường insulin tại nhà

Chuẩn bị bơm tiêm 1ml có chia vạch tương ứng với đơn vị (UI) insulin; bông và cồn 70 để sát khuẩn. Lưu ý rửa tay bằng xà phòng trước khi thực hiện các thao tác lấy thuốc và tiêm.

Chuẩn bị thuốc tiêm: Insulin nên được bảo quản ở ngăn mát của tủ lạnh tại nhà hoặc nếu không có tủ lạnh thì cần được bảo quản ở nơi thoáng mát tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào thuốc. Nếu để ở trong ngăn mát của tủ lạnh thì trước khi tiêm nên để ra ngoài trước từ 10 - 15 phút.

Lưu ý: Cần kiểm tra hạn dùng của bơm tiêm, cồn, hạn dùng của insulin ở bước này.

Cách tiêm thuốc tiểu đường (insulin): Các bước thực hiện tại nhà

Tiêm insulin tại nhà cần thực hiện lần lượt theo các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị và lấy insulin vào trong bơm tiêm

  1. Lăn lọ insulin trong lòng bàn tay để thuốc ấm lên khi tiêm không buốt, đồng thời cũng giúp thuốc được trộn đồng đều hơn - nếu đó là loại hỗn dịch có tác dụng chậm.
  2. Rút không khí vào bơm tiêm: Bóc bỏ phần nilon bên ngoài bơm tiêm, tháo nắp nhựa, kéo ngược phần piston của bơm tiêm để lấy một lượng khí đúng bằng lượng thuốc cần tiêm.
  3. Gỡ nắp nhựa hoặc nhôm bên ngoài, dùng bông tẩm cồn sát khuẩn phần nắp cao su bên trong và đâm kim qua phần nắp cao su của vỏ thuốc, đẩy lượng không khí trong bơm.
  4. Dốc ngược lọ thuốc và để ngang tầm mắt.
  5. Kéo từ từ piston của bơm tiêm để lấy lượng thuốc insulin cần thiết.
  6. Rút kim ra khỏi lọ thuốc, búng nhẹ và đẩy piston lên một chút để đẩy bọt khí (nếu có) ra ngoài sau đó đậy nắp kim lại

6 bước lấy insulin vào trong bơm tiêm

6 bước lấy insulin vào trong bơm tiêm

Bước 2: Xác định vị trí tiêm

  • Lựa chọn vùng tiêm là một trong 4 vị trí bao gồm: bụng, mông trên, đùi, mặt sau của cánh tay
  • Dùng bông có tẩm cồn sát khuẩn vị trí tiêm theo hình xoắn ốc từ trong ra ngoài (thao tác này thực hiện 2 lần) rồi đợi cho cồn khô hết.
  • Tránh tiêm vào vị trí da bị teo, phì đại, tránh các vết sẹo, các lỗ chân lông, tránh tiêm vào vị trí tiêm trước đó. Nhìn chung, nên tiêm xoay vòng giữa các vị trí tiêm, mũi trước cách mũi sau khoảng 2 - 3 cm.

Vị trí tiêm insulin nên luân chuyển thường xuyên

Vị trí tiêm insulin nên luân chuyển thường xuyên

Bước 3: Thực hiện tiêm insulin.

Tiêm insulin là tiêm vào phần mô ở dưới da, chứ không tiêm vào phần cơ bên dưới, để làm được điều này thì người bệnh cần thực hiện các thao tác như sau:

  • Véo nâng da bằng ngón tay cái và ngón tay trỏ
  • Đâm bơm tiêm nhanh, dứt khoát một góc 45 - 900 tùy thuộc với bề mặt da với độ sâu tùy thuộc vào người béo hay gầy và chiều dài của kim. Hiện nay thường sử dụng mũi kim 8 - 12.7mm. Với kim dài hoặc người càng gầy thì góc tiêm càng nhỏ. Nếu không biết áng khoảng vị trí tiêm, tốt nhất người bệnh nên lựa chọn loại kim ngắn 4mm, 5mm hoặc 6mm tiêm một góc 900 cắm hết chiều dài của kim.
  • Bơm thuốc một cách từ từ cho tới khi hết thuốc trong bơm
  • Rút kim, thả tay véo
  • Đậy nắp nhựa vào đầu mũi kim tiêm sau đó cho vào hộp đựng rác riêng.

Thao tác tiêm insulin đúng cách

Thao tác tiêm insulin đúng cách

Có thể bạn quan tâm:

Một số lưu ý sau khi tiêm insulin

Sau khi tiêm người bệnh cần thực hiện theo đúng khuyến cáo về thời gian ăn theo chỉ định của bác sĩ hoặc khuyến cáo ghi trên nhãn thuốc đồng thời không vận động quá sức để tránh nguy cơ bị hạ đường huyết.

Nếu xuất hiện các triệu chứng như đói cồn cào, mệt mỏi, tim đập nhanh, run tay, đánh trống ngực, vã mồ hôi lạnh, đau đầu, không tỉnh táo… thì đây rất có thể là do bị hạ đường huyết (tác dụng phụ phổ biến nhất của insulin). Lúc này, người bệnh cần ăn hoặc uống ngay một miếng bánh, cơm, cháo, kẹo hoặc nước ngọt có sẵn. Nếu các triệu chứng không được cải thiện thì cần tới các cơ sở y tế để cấp cứu càng sớm càng tốt.

Nếu gặp bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác như bất thường ở vị trí tiêm (sưng, nóng, đỏ, đau, teo hoặc phì đại da), ngứa toàn thân… cần thông báo cho bác sĩ điều trị để được tư vấn hướng xử trí.

Cách tiêm thuốc tiểu đường (insulin) sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả kiểm soát đường huyết. Hy vọng với những thông tin trong bài viết này, bạn đã có thể nắm bắt tất cả các bước từ khi bắt đầu cho tới việc theo dõi các phản ứng bất thường sau khi tiêm insulin, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả điều trị tiểu đường.

 

Nguồn tham khảo:

http://www.diabete.qc.ca/en/living-with-diabetes/care-and-treatment/drugs-and-insulin/all-about-injections#top
http://www.diabete.qc.ca/en/living-with-diabetes/care-and-treatment/drugs-and-insulin/all-about-injections