Mục tiêu trong điều trị bệnh tiểu đường là giữ cho đường huyết càng gần với mức bình thường càng tốt. Tuy nhiên, cho dù người bệnh có cẩn thận tới đâu đi chăng nữa thì đường huyết vẫn có thể bị tăng cao vào một thời điểm nào đó. Điều quan trọng là người bệnh cần nhận thức được sự nguy hiểm của tăng đường huyết, biết cách nhận biết và xử trí khi đường huyết cao.

 Đường huyết cao có thể dẫn tới nhiều rủi ro cho sức khỏe, vì vậy cần sớm đưa đường máu về ngưỡng an toàn

Đường huyết cao có thể dẫn tới nhiều rủi ro cho sức khỏe, vì vậy cần sớm đưa đường máu về ngưỡng an toàn

Chỉ số đường huyết bao nhiêu là cao?

Với người có sức khỏe bình thường, đường huyết cao có thể xảy ra sau bữa ăn có nhiều đường, tinh bột hoặc do cảm sốt, do mắc bệnh nhiễm trùng, stress… Tuy nhiên, tình trạng này chỉ là thoáng qua không cần quá lo lắng, cũng như không nhất thiết phải điều trị.

Đường huyết tăng cao mạn tính xảy ra ở người tiền tiểu đường, người bệnh tiểu đường (tuýp 1, tuýp 2), mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ. Đây là những đối tượng đặc biệt, cần điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau để đưa đường huyết về ngưỡng cho phép.

Đường huyết cao khi lượng đường trong máu tăng vượt ngưỡng cho phép.

  • Ở người khỏe mạnh, đường huyết lúc đói có giá trị 4.0 - 5.5mmol/l
  • Ở người tiền tiểu đường đường huyết lúc đói 5.6 - 6.9mmol/l
  • Người bệnh tiểu đường đường huyết lúc đói trên 7mmol/l (tối thiểu qua 2 lần đo)

Triệu chứng đường huyết cao?

Các triệu chứng của tăng đường huyết ở người bệnh tiểu đường thường có xu hướng diễn biến chậm trong vài tuần hoặc vài ngày. Một số trường hợp có thể không có biểu hiện cho tới khi đường huyết đã lên cao đến mức báo động (thường trên 14mmol/l)

Các triệu chứng của tăng đường huyết bao gồm:

  • Khát và khô miệng nhiều hơn
  • Đi tiểu thường xuyên hơn
  • Người mệt mỏi, uể oải
  • Mắt mờ nhiều hơn, mỏi mắt
  • Các bệnh nhiễm trùng trên da, nhiễm trùng đường tiết niệu… tái phát.

Lượng đường trong máu cao có nguy hiểm không?

Đường huyết tăng cao kéo dài có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm trên toàn bộ cơ thể

Đường huyết tăng cao kéo dài có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm trên toàn bộ cơ thể

Có thể nó rằng đường huyết tăng cao là một tình trạng rất nguy hiểm, bởi tùy thuộc vào mức độ mà nó có thể gây ra cả biến chứng cấp tính và biến chứng lâu dài với người bệnh. Tất cả các biến chứng này nếu không đe dọa tính mạng thì cũng có thể làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Biến chứng cấp tính do đường máu tăng cao

Các biến chứng cấp tính xảy ra khi đường huyết tăng cao đều rất nguy hiểm do có thể đe dọa tính mạng của người bệnh.

  • Nhiễm toan ceton: Một số dấu hiệu cảnh báo nhiễm toan ceton: Đau bụng; Mệt mỏi và khát nước nhiều; Buồn đi tiểu nhiều; Thở mạnh và nhanh hơn bình thường; Hơi thở có một mùi lạ rất đặc trưng tương tự như mùi của chất tẩy sơn móng tay.
  • Tăng áp lực thẩm thấu: Các triệu chứng của tăng áp lực thẩm thấu do đái tháo đường thường xuất hiện âm thầm với các biểu hiện đái nhiều, khát nhiều, sút cân… rất nhanh trong vài ngày.

Biến chứng về lâu dài do đường máu tăng cao

Bên cạnh các biến chứng cấp tính kể trên thì đường huyết tăng cao trong thời gian dài cũng sẽ sẽ gây tổn thương nhiều cơ quan, bộ phận trong cơ thể làm xuất hiện nhiều biến chứng. Các biến chứng này thường tiến triển chậm, nên nhiều người bệnh chỉ phát hiện ra khi mức độ đã trở nên khá nghiêm trọng hoặc gây ra hậu quả. Các biến chứng này có thể là:

  • Biến chứng tim mạch có thể dẫn tới bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ não…
  • Biên chứng trên thận dẫn tới suy thận, bệnh thận giai đoạn cuối.
  • Biến chứng trên mắt khiến người bệnh giảm thị lực, nặng hơn là mù lòa
  • Biến chứng bàn chân - biến chứng làm cho nhiều người bệnh phải cắt cụt chân
  • Biến chứng thần kinh có thể dẫn tới rối loạn cảm giác, mất cảm giác ở một phần trên cơ thể, rối loạn nhịp tim, tiểu tiện không kiểm soát, rối loạn chức năng của hệ tiêu hóa, rối loạn các tuyến tiết, suy giảm chức năng sinh dục…

Mức đường huyết mục tiêu ở người bệnh tiểu đường

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, nhìn chung với người bệnh tiểu đường là người lớn, không mang thai thì mức đường huyết mục tiêu nên ở mức:

  • Đường huyết lúc đói: Từ 80 - 130 mg/dl (4.5 - 7.2 mmol/l)
  • Đường huyết sau ăn 2 giờ: <180 mg/dl (10mmol/l)

Cách xử trí khi lượng đường trong máu cao

Thay đổi từ chế độ ăn hàng ngày, bạn sẽ kiểm soát đường huyết tốt hơn

Thay đổi từ chế độ ăn hàng ngày, bạn sẽ kiểm soát đường huyết tốt hơn

Dưới đây là một số lời khuyên dành cho bạn:

  • Giảm sử dụng các thực phẩm có thành phần chính là các chất bột đường đơn giản như cơm trắng, bánh mì, bánh quy, bún, mì sợi, nước trái cây, nước ngọt đóng chai… Sử dụng các thực phẩm chứa thành phần là các chất bột đường phức tạp, chứa nhiều chất xơ như gạo lứt, khoai lang (cả củ và lá), các loại hạt, các loại đậu đỗ, các loại rau (không phải là hoa)…
  • Giảm sử dụng muối (ăn nhạt hơn), giảm sử dụng các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, chất béo, hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thực phẩm được chế biến hay đóng gói sẵn bởi vì chúng chứa nhiều chất gây ảnh hưởng xấu tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể để từ đó phòng ngừa các biến chứng về tim mạch.
  • Uống nhiều nước hơn, việc này sẽ giúp ích cho người bệnh hạn chế tình trạng mất nước, giảm bớt sự nguy hiểm nếu bị tăng áp lực thẩm thấu.
  • Kiểm tra đường huyết tại nhà để theo dõi đường huyết một cách thường xuyên.
  • Vận động thể chất thường xuyên hơn sẽ giúp giảm đáng kể lượng đường trong máu.
  • Nếu nghi ngờ mình gặp phải các triệu chứng cấp tính do tăng đường huyết như nhiễm toan ceton hay tăng áp lực thẩm thấu người bệnh cần tìm tới sự trợ giúp y tế càng sớm càng tốt.

Đường huyết cao có thể dẫn tới những rủi ro nghiêm trọng, có thể phát hiện ngay, nhưng cũng có thể âm thầm tiến triển trong thời gian dài. Chính vì vậy mà ngay khi phát hiện đường huyết cao, bạn nên chủ động điều trị sớm để giúp kiểm soát đường huyết trong ngưỡng mục tiêu.

 

Nguồn:

http://www.ndei.org/ADA-diabetes-management-guidelines-glycemic-targets-A1C-PG.aspx.html

http://outpatient.aace.com/type-2-diabetes/management